Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Có nên áp đặt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nghề luật sư

Có thể nói, cho đến nay đội ngũ luật sư đã phát triển và có vị thế nhất định trong đời sống xã hội. Việc phát triển đội ngũ luật sư để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế là rất cần thiết và phải có định hướng để phát triển. Tuy nhiên, dự thảo Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 dường như lại không đáp ứng được kỳ vọng ấy.
Mới dừng ở số liệu
Dự thảo đưa ra khá nhiều chỉ tiêu như phát triển số lượng luật sư mỗi năm được từ 800 – 1.000 luật sư, tại các địa phương có khó khăn về kinh tế - xã hội được từ 20 – 30 luật sư để đến năm 2020, tỷ lệ luật sư trên số dân là 1/4.500; phát triển đủ số lượng luật sư đáp ứng tham gia 100% số lượng vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chú trọng đến việc đào tạo 1.000 luật sư phục vụ yêu cầu hội  nhập kinh tế quốc tế…
Dự thảo chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật. Trong đó, có việc phát triển một số tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn từ 50 - 100 luật sư và từ 100 luật sư trở lên, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Ngoài ra là “hình thành một số tập đoàn công ty luật lớn của Việt Nam, từng bước nội địa hóa các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam”.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI - LS Trần Hữu Huỳnh, Chiến lược này mới chỉ dừng lại ở số liệu, phân định vùng miền trong khi đáng lẽ phải phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho luật sư. Còn trong cuộc họp cho ý kiến mới đây, các thành viên Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp nhìn nhận rằng, nhiều chỉ tiêu trên đây mang tính áp đặt và rất xa rời thực tế.
Phải được coi là “bạn đồng hành” của Nhà nước
Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho nghề luật sư thì Chiến lược phải đưa ra được các giải pháp có tính trọng tâm như xây dựng môi trường pháp lý tốt, có chính sách hỗ trợ phát triển nghề luật sư, sớm hoàn thiện cơ chế pháp lý trong các hoạt động hành nghề của luật sư như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp về triển khai cải cách tư pháp bởi lẽ cải cách tư pháp triệt để thì mới tạo môi trường thúc đẩy dịch vụ luật sư phát triển.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, xây dựng Chiến lược là nhằm tạo cơ chế và môi trường cho nghề luật sư phát triển chứ Nhà nước không áp đặt phải phát triển được bao nhiêu luật sư, bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư. “Vì vậy, muốn nghề luật sư phát triển cần phải làm 3 việc cụ thể là tác động vào cơ chế thực thi pháp luật, làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề luật sư và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đội ngũ luật sư”, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đúc kết.
Tuy nhiên, ông Huỳnh lại có suy nghĩ khác. Theo ông, trước khi đưa ra các giải pháp, cần xác định Nhà nước phải coi luật sư là “bạn đồng hành” của mình và là đối tượng phục vụ. Có như vậy, luật sư mới có cơ hội tham gia sâu hơn vào xây dựng pháp luật về kinh doanh, thương mại và rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến luật sư, hành nghề luật sư để kiến nghị sửa đổi.
Nguồn: Báo pháp luật Việt nam điện tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét