Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006–2012 VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và sửa đổi, bố sung năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó có tranh chấp về tác quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi đạo Luật này có hiệu lực thi đến nay, tình hình giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của xã hội.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ tháng 7-2006 cho đến tháng 6-2012 các Tòa án chỉ thụ lý được 92 vụ án tranh chấp về quyền tác giả. Số vụ việc còn quá hạn chế này cho thấy, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ còn e ngại việc khởi kiện ra Tòa án mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính. Xuất phát từ (i) tính mất cân xứng của luật nội dung về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, (ii) những bất cập của pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, và (iii) sự non kém về năng lực chuyên môn của các cán bộ xét xử, hệ quả là tòa án chưa thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về tác quyền. Tác giả đã nêu một số đề xuất, bao gồm xây dựng luật riêng về quyền tác giả; thiết lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lí có hiệu quả các hành vi xâm phạm tác quyền v.v. nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và tăng hiệu lực thực thi trong thời gian tới ở Việt Nam.
1. Khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và các tranh chấp phát sinh
1.1 Khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định tác giả có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Khi tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng hoặc chuyển giao quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân khác thì tác giả chỉ còn giữ quyền nhân thân, bao gồm quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả của tác phẩm và quyền phản đối các hành vi cắt xén, bóp méo hoặc sửa đổi đối với tác phẩm có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Chủ sở hữu tác phẩm có quyền cho phép hoặc phản đối việc khai thác sử dụng tác phẩm mà không được phép chủ sở hữu, dưới các hình thức sao chép, phân phối, nhập khẩu, cho thuê, biểu diễn công cộng, phát sóng và truyền đạt đến công chúng, làm tác phẩm phái sinh. Chủ sở hữu tác phẩm còn có quyền liên quan, bao gồm quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với các bản ghi âm, ghi hình của mình; quyền của tổ chức phát sóng đối với các chương trình phát sóng của mình.
Quyền tác giả, bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản, được xác lập ngay khi tác phẩm được sáng tạo và định hình dưới một hình hình thức vật chất nhất định. Quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng) được xác lập ngay khi đối tượng quyền liên quan được sáng tạo và định hình dưới một hình hình thức vật chất nhất định.
Thực tiễn hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) ở Việt Nam thể hiện qua các mặt như sau:
Đăng ký, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu quyền
Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được ban hành, số lượng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan được chuyển giao phổ biến đến công chúng được tăng lên theo từng năm Năm 2007, có 3230 tác phẩm và đối tượng quyền liên quan được đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Năm 2008, có 4922 tác phẩm và đối tượng quyền liên quan được đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Số lượng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan được chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đến đăng ký ước tính chiếm khoảng 70%. Các tác phẩm đã và đang được khai thác, chuyển giao một cách có hiệu quả, thông qua đó mang lại lợi ích đáng kể cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức cá nhân khai thác sử dụng và công chúng hưởng thụ, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá phát triển.
Việc uỷ thác của chủ sở hữu quyền cho các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan
Hiện nay, hệ thống tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam đã được hình thành và đang đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện có các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan đáng chú ý là: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt nam và Trung tâm quyền tác giả văn học. Đến năm 2009, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có 1300 thành viên uỷ thác cho Trung tâm quản lý, thu tiền bản quyền từ việc khai thác sử dụng các tác phẩm của thành viên. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đã có 35 thành viên uỷ thác cho Hiệp hội quản lý, thu tiền bản quyền từ việc khai thác sử dụng các bản ghi âm, ghi hình của thành viên. Trung tâm quyền tác giả văn học đã có 2040 thành viên uỷ thác cho Trung tâm quản lý, thu tiền từ việc khai thác sử dụng tác phẩm văn học của các thành viên [1].
Chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm cho các nhà xuất bản
Hiện nay, đã có một số lượng khá lớn đầu sách của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao cho nhà xuất bản khai thác sử dụng để xuất bản, công bố phổ biến đến công chúng. Năm 2007 có gần 27 ngàn đầu sách được xuất bản, công bố; năm 2008 có gần 19 ngàn đầu sách được xuất bản, công bố.
1.2 Các tranh chấp, vi phạm tác quyền phát sinh trong khai thác, sử dụng QTG, QLQ và một số nguyên nhân
Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cũng đang gặp những khó khăn, chủ yếu do việc nhiều tác phẩm bị sử dụng trái phép, hoặc chủ sở hữu tác phẩm khó xác định giá cả, thoả thuận mức tiền bản quyền khi khai thác, chuyển giao, thu tiền bản quyền của các đối tượng sử dụng. Thực tế đã có rất nhiều vụ vi phạm quyền tác giả như: tái bản sách, biểu diễn sân khấu, thu băng đĩa nhạc, băng hình… không xin phép tác giả, không trả nhuận bút cho tác giả.
Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng vẫn còn phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi, mà các hành vi xâm phạm này lại chưa bị xử lý một cách đúng mức.
Một số vụ điển hình về khiếu nại, khởi kiện vi phạm bản quyền tác giả đáng chú ý như:
- Vụ khiếu nại đến Cục Bản quyền tác giả về tác giả của bài “Tiến Quân Ca”;
- Vụ phát hành bộ phim nhựa "Vị đắng tình yêu" Tập 2, người được uỷ nhiệm phát hành đã in trái phép một bản phim nhựa đem đi chiếu thu lơi.
- Vụ ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả [2].
- Vụ Nguyên đơn Phạm Thị Hà, nhà báo công tác tại “Thời báo kinh tế Việt Nam” khởi kiện Bị đơn – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin vi phạm quyền tác giả [3].
- Vụ Nguyên đơn – Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) khởi kiện Bị đơn -Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade) vi phạm quyền tác giả phần mềm máy tính.
- Vụ Nguyên đơn – Công ty CP Làng mộc Văn Hà, Quảng Nam khởi kiện Bị đơn – Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát, Đà Nẵng vi phạm quyền tác giả bản vẽ kiến trúc.
- Vụ Nguyên đơn – Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) khởi kiện bị đơn – Công ty TNHH Hội Việt Úc do vi phạm quyền tác giả đối với giáo trình, tài liệu giảng dạy Anh ngữ.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả ngày một gia tăng. Một là, hành vi xâm phạm quyền tác giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai là, trong quá trình hội nhập, nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những tác phẩm giả “như thật” mà lại có giá bán thấp. Lợi dụng tình trạng này, việc có không ít chủ thể thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, sao chụp, mô phỏng, giành giật thị truờng trở thành hiện tuợng phổ biến. Đó cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tranh chấp quyền tác giả. Ba là, phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa chủ động đăng ký bảo hộ quyền tác giả để dễ dàng bảo vệ lợi ích của mình. Bốn là, các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung
2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp, vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn từ 2004 đến nay:
2.1 Xử lý hành chính các vi phạm về QTG, QLQ
Các quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ban hành trong Nghị định số Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin (“NĐ 56”). Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đối với việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan. Ngày 13/05/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 47 là các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định 47 quy định về hình thức phạt tiền, tùy tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, mức phạt tiền có thể tới 500 triệu đồng.
Năm 2006, Thanh tra chuyên ngành Văn hóa – Thông tin kiểm tra 20.414 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đã phát hiện 5.647 cơ sở vi phạm. Các đoàn kiểm tra đã cảnh cáo 519 cơ sở, đình chỉ hoạt động 289 cơ sở, tạm giữ giấy phép kinh doanh của 160 cơ sở, chuyển xử lý hình sự 9 trường hợp. Năm 2010, lực lượng thanh tra liên ngành đã tổ chức thanh tra tại 60 doanh nghiệp, kiểm tra 2361 máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp và đã bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng sử dụng phần mềm bất hợp pháp [4].
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan chủ yếu đã và sẽ được xử lý bằng con đường hành chính. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Điều này đã dẫn đến tình trạng “hành chính hoá” các quan hệ dân sự. Một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tuy thuộc lĩnh vực dân sự, lẽ ra cần được giải quyết theo thủ tục dân sự tại toà án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính cho đơn giản và đỡ tốn kém. Tuy nhiên, tố tụng tư pháp tại tòa án vẫn là một kênh riêng để giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam.
2.2 Giải quyết các tranh chấp về QTG, QLQ tại Tòa án: tóm tắt một số vụ việc điển hình
- 2.2.1 Vụ Nguyên đơn Phạm Thị Hà, nhà báo công tác tại “Thời báo kinh tế Việt Nam” khởi kiện bị đơn – Nhà xuất bản Văn hoá thông tin.
NXB Văn hóa thông tin, vào quí IV năm 2004, đã xuất bản cuốn sách “Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường” do Nhà xuất bản Văn hoá – thông tin liên kết với nhà sách Hương Thuỷ của công ty văn hoá Phương Bắc có sử dụng 8 bài viết của tác giả đã đăng tải trên chuyên mục Doanh nhân thế giới của Thời báo kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2003 đến 2006 không được phép tác giả. Tám bài viết của tác giả Phạm Thị Hà trong xuất bản phẩm nêu trên còn bị thay đổi nhan đề, đảo các đoạn văn trong bài viết; cắt bớt một số câu trong bài viết v.v…. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2005/DSST ngày 26/6/2006, và Bản án dân sự phúc thẩm số 237/2006/DSPT ngày 17/11/2006 đều đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu kiện vi phạm quyền tác giả của nguyên đơn, buộc bị đơn phải công khai xin lỗi tác giả Phạm Thị Hà trong 3 số báo liên tiếp của Báo Nhân dân; không được tái bản cuốn sách “Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường” nếu không được sự đồng ý của tác giả.
- 2.2.2 Vụ ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả do đã trích dẫn không phép nguyên văn bốn bài viết của tác giả vào tác phẩm "Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận”.
Tại Bản án số 68/2006/DSST ngày 25, 26-12-2006, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu kiện xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân đối với ông Đào Thái Tôn, tuyên buộc ông Đào Thái Tôn phải tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Quảng Tuân ở nơi ông Tuân đang cư trú; buộc ông Tôn phải thanh toán tiền nhuận bút cho ông Tuân số tiền là 1.040.400 đồng; buộc ông Tôn phải bồi thường về vật chất và tinh thần cho ông Tuân là 25.000.000 đồng. Tổng cộng các khoản ông Tôn phải thanh toán và bồi thường cho ông Tuân là: 26.040.400 đồng.
- 2.2.3 Vụ Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC). Khởi kiện Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade).
Ngày 17/1/2007, tòa Kinh Tế, Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội đã thụ lý vụ kiện vi phạm bản quyền phần mềm giữa Nguyên đơn – Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) và Bị đơn – Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade). Đây là vụ giải quyết bản quyền phần mềm thứ hai ở Việt Nam bằng con đường tòa án.
Công ty Hanoi Software JSC (HNS) từ năm 2003, được cho là đã nghiên cứu và phát triển ra một phần mềm quản trị website và đặt tên là WEB++. Từ tháng 9/2006, công ty biết được Digital Trade đã giới thiệu, kinh doanh sản phẩm I-Web có các tính năng giống hệt sản phẩm WEB++ mà Hanoi Software JSC kinh doanh từ 3 năm qua. Hanoi Software đã nhanh chóng xác minh và có được các bằng chứng chứng tỏ Digital Trade vi phạm quyền tác giả sản phẩm WEB++ thông qua một nhân viên cũ của Hanoi Software là Hoàng Tùng, nay đang công tác tại công ty Digital Trade. Hanoi Software đã thuê luật sư hỗ trợ xử lý vụ việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Ngày 24/10/2006, Digital Trade đã thừa nhận sản phẩm I-Web là WEB++ do chính nhân viên cũ của Hanoi Software đem về sử dụng và phát triển, thừa nhận bằng văn bản đó là hành vi sử dụng bất hợp pháp, hủy bỏ các mã nguồn WEB++ đang có, cam kết dừng việc kinh doanh sản phẩm này và đền bù thiệt hại vật chất. Như vậy, I-Web chỉ là tên của sản phẩm WEB++ bị đổi một cách trái phép. Công ty Hanoi Software cũng tạo điều kiện để Digital Trade thay thế hoặc dỡ bỏ sản phẩm trái phép đã bán trong vòng 03 tháng. Tuy nhiên, Digital Trade vẫn tiếp tục kinh doanh trái phép mặc dù đã được tạo điều kiện xử lý tranh chấp hợp lý. Ngày 25/12/2006, công ty Hanoi Software JSC đã chính thức gửi đơn kiện công ty Digital Trade ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
- 2.2.4 Vụ Nguyên đơn – Công ty CP Làng mộc Văn Hà, trụ sở tại thị trấn Vĩnh Điện, Huyện Điện Bàn, Quảng Nam khởi kiện Bị đơn là Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát, trụ sở tại 92 Trần Xuân Lê, QuậnThanh Khê, Đà Nẵng.
Tháng 3/2011, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) TP Đà Nẵng liên hệ với Công ty CP Làng mộc Văn Hà để lập hồ sơ thiết kế – dự toán công trình "Nhà ăn bằng gỗ – Sân vườn khu nhà ăn – Hồ nước – Hòn non bộ". Công ty CP Làng mộc Văn Hà lập và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ thi công (hồ sơ thiết kế – kiến trúc) và đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Ban Doanh trại BCHQS TP Đà Nẵng để xét duyệt giao thầu.
Bị đơn – Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát được yêu cầu phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc do đã sử dụng nguyên mẫu bản vẽ thiết kế – kiến trúc mà Công ty CP Làng mộc Văn Hà đã giao, là bản vẽ thiết kế khu nhà rường Việt Nam, Nhà ngũ gian tứ hạ đã được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền, phải tháo dỡ các hạng mục công trình Nhà vọng nguyệt lục giác, Cổng tam quan cổ lầu, Nhà ngũ gian tứ hạ đã và đang thi công tại Doanh trại Ban Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng tại số 38 Trần Phú – Đà Nẵng.
Tháng 9/2011, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã tiến hành phiên hòa giải giữa các bên liên quan, nhưng không thành. Tòa án đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giám định đối với các bản vẽ thiết kế liên quan [5]. Tuy nhiên, Bản giám định gửi kèm công văn số 22/CV-LHH ngày 29/03/2012 của Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng với kết quả chung chung, không có phần kết luận, chưa trở thành căn cứ vững chắc để Nguyên đơn có thể thắng Bị đơn trong vụ kiện hy hữu này.
- 2.2.5 Vụ Nguyên đơn – Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Việt (First News) khởi kiện bị đơn – Công ty TNHH Hội Việt Úc do trung tâm Anh ngữ của bị đơn có hành vi sao chép sách, đĩa CD các giáo trình TOEIC, TOEFL iBT mà Nguyên đơn nắm giữ bản quyền tại Việt Nam để bán trái phép cho các học viên.
Tháng 10/2011, First News yêu cầu Bộ công an và sở Văn hóa thông tin và truyền thông tiến hành khám xét và xử phạt các đối tượng nêu trên. Tháng 12/2011, Bộ Công An kết hợp với Sở Văn hóa thông tin và truyền thông tiến hành khám xét các trung tâm ngoại ngữ thuộc Công ty TNHH Hội Việt Úc, và một số cơ sở khác, tịch thu hàng loạt sách vi phạm bản quyền.
Ngày 21/2/2012 tại Hội Nhà Báo Việt nam, Công ty First News – Trí Việt đã lên tiếng về việc các trường ngoại ngữ vi phạm bản quyền sách các tựa sách (600 Toeic essential For The TOEIC Test, TOEIC Analyst, Stater TOEIC, Target TOEIC, Very Easy TOEIC, Building Skills for the TOEFL Ibt, Developing Skills for the TOEFL Ibt, Mastering Skills for the TOEFL Ibt) và khởi kiện nếu các trường cố tình tái phạm. Tháng 3/2012, sau khi thu thập đầy đủ tang chứng, vật chứng vi phạm bản quyền của 10 trường ngoại ngữ, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News cùng Văn phòng Luật sư Người nghèo khởi kiện Công ty TNHH Hội Việt Úc (Trung tâm Anh ngữ Quốc Tế Úc Châu và trường Anh Văn Hội Việt Úc) ra Tòa án Nhân dân TP HCM [6].
Sau ba lần hòa giải trước tòa án kéo dài trong 3 tháng, tại buổi họp báo 14/6/2012 do First News tổ chức, Công ty TNHH Hội Việt Úc, trường Quốc Tế Úc Châu đã thừa nhận hành vi sai trái, chấp nhận bồi thường với mức phạt 380 triệu và ký kết hợp đồng sẽ mua sách của First News.
2.3 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi (tội phạm) xâm phạm quyền tác giả
Theo Điều 212 Luật SHTT năm 2005, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi 2009, có một số điều quy định về các tội phạm có liên quan.
Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, các hành vi sau đây nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm: (1) chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; (2) mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; (3) sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình và (4) công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
Tuy nhiên, cho đến năm 2012, chưa có hành vi vi phạm quyền tác giả nào được truy tố và xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngày 12/11/2011, Phòng PC 46 kết hợp với Đội quản lý thị trường số 15 đã khám xét, kiểm tra khẩn cấp và thu giữ gần 10.000 cuốn sách lậu (thành phẩm và bán thành phẩm) tại cơ sở Huy Thi – Khu tập thể Nhà máy in Bộ Tổng tham mưu (Ngọc Hồi, Hà Nội). Hai tựa sách bị in lậu bao gồm: “Quẳng gánh lo âu & vui sống”: 1.040 cuốn + 120 kg ruột sách; “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt”: 812 cuốn + 10.000 bìa sách + 325 kg ruột sách. Sách vi phạm được scan toàn bộ từ nội dung đến hình thức của sách thật, có đầy đủ trang bản quyền, logo First News và NXB, ruột sách được in ấn cẩu thả, chữ mờ, giấy mỏng, các trang có hình, trang bản quyền không rõ nét, bìa cán láng trên giấy mềm, dễ nhận biết. Giá sách vi phạm được in với giá bìa cao hơn sách thật từ 20% đến 72%. Sách vi phạm để giá cao hơn nhằm giảm giá ngược lại cho người mua 30 – 40%, thực chất sách vi phạm vẫn bán giá cao hơn sách thật nhưng chất lượng kém hơn so với sách thật.
Ngày 15/11/2011, Công ty First News tuyên bố sẽ yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với cơ sở Huy Thi về hành vi làm hàng giả và xâm phạm quyền tác giả [7]. Tuy nhiên, đến tháng 10/2012 cơ sở Huy Thi vẫn chưa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can sau hơn một năm bị phát giác hành vi vi phạm quyền tác giả.
3. Vài nhận xét về việc giải quyết tranh chấp về QTG, QLQ tại Việt Nam và một số đề xuất bước đầu:
Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực kể từ 01/7/2006, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm quyền tác giả vẫn có chiều hướng gia tăng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là pháp luật về SHTT vẫn còn nhiều điểm bất cập [8]. Bạn đọc có thể xem thêm về các bất cập này tại Tạp chí Luật học, số 7, (122) năm 2010.
Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2006) thì tình hình giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án cũng không có sự tăng lên một cách đáng kể. Từ 01/7/2006 cho đến ngày 22/6/2009 toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ; tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ. Nếu chỉ tính riêng đối với Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến năm 2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội mới chỉ thụ lý giải quyết có 7 vụ án, nhưng thực chất chỉ là 5 vụ án, vì có 2 vụ án phải xét xử xử phúc
thẩm lần thứ 2 [9].
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bất cập giữa thực trạng tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ với số lượng thấp về vụ án tranh chấp về quyền tác giả được giải quyết như trên? Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu là:
- Bản thân hệ thống toà án chưa đủ năng lực xét xử và thực thi [10] về quyền tác giả. Kinh nghiệm xét xử và kiến thức chuyên môn về tác giả của các thẩm phán còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho một số bản án của toà án chưa đảm bảo chất lượng như kỳ vọng. Có trường hợp Tòa án còn phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do cần chờ kết quả trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và các cơ quan chuyên môn (xem Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 08/2010/QĐST-DS ngày 18-3-2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với vụ án dân sự thụ lý số 59/2009/TLST-DS ngày 02-10-2009 về tranh chấp quyền tác giả giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khoan, trú tại Số 2 ngõ 219/18 tổ 25 đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với bị đơn – Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam).
- Thủ tục xét xử tại toà án còn rườm rà và kéo dài, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức của người theo đuổi vụ kiện. Điều này cũng gây ra tâm lý của người dân e ngại không muốn khởi kiện các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại toà án.
- Một số quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa cụ thể, rõ ràng khiến cho các thẩm phán gặp khó khăn, lúng túng khi xét xử, chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về cách tính mức bồi thường thiệt hại trong các vụ xâm phạm, tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Để hướng tới việc tòa án thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về tác quyền tác giả, một số đề xuất bước đầu cần được các cấp có thẩm quyền lưu ý như sau:
- Sớm thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lí có hiệu quả các hành vi xâm phạm tác quyền, trong đó Cục bn quyền tác giả và ngành tòa án giữ vai trò phối hợp quan trọng. Tăng cường quyền hạn của cơ quan thanh tra chuyên ngành trong xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả,
- Lập kế hoạch rà soát và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, thẩm phán theo hướng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đa số cán bộ, Thẩm phán của các Tòa án còn thiếu kiến thức có hệ thống về sở hữu trí tuệ, số cán bộ, Thẩm phán được đào tạo về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Do vậy, cần chú trọng xây dựng các mục tiêu và chương trình đào tạo có hệ thống để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ở các Tòa án hiện nay.
- Trước mắt, tập trung thẩm quyền xét xử tại Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thành lập Toà chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tài sản quyền tác giả và quyền liên quan là loại tài sản đặc thù, khác biệt với các tài sản sở hữu công nghiệp của sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt khác về cơ chế xác lập, thực thi bảo hộ…. Do vậy, về lâu dài cần tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành riêng biệt Luật quyền tác giả, quyền liên quan.
CHÚ THÍCH:
[1] Bùi Nguyên Hùng; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta hiện nay (Chuyên đề số 6, Đề tài NCKH về tài sản ảo, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, 2009)
[2] Bùi Nguyên Hùng, tài liệu đã dẫn
[3] Bản án số 68/2006/DSST ngày 25, 26/12/2006 của Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội, về việc xâm phạm quyền tác giả và yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự và uy tín bị xâm phạm
[4] Bản án số 237/2006/DSPT Ngày 17/11/2006, bản án dân sự sơ thẩm số 27/2005/DSST ngày 26/6/2006, của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội
[5] Cổng thông tin Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Việt Nam nghiêm khắc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm trong nước, đăng ngày 17/10/2011
[6] Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 23/10/2011, Hầu tòa vì nhà cổ
[7 ] Thông báo số 2483/KDTMST ngày 01/12/2011 của Tòa án ND TP Hồ Chí Minh gửi Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt
[8] Bản Tóm tắt quá trình khởi kiện, do Công ty First News gửi cho tác giả tháng 11/2011
[9] Những bất cập trong quy định của pháp luật SHTT Việt Nam hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan, Tạp chí Luật học, số 7, (122) năm 2010
[10] Nguyễn Văn Tiến, Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân, tại trang http://www.toaan.gov.vn
[11] Mạc Minh Quang, Nâng cao năng lực của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ, VNU 2007, trang 81
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alan Latman, Robert A. Gorman, Jane C. Ginsburg; Copyright for the nineties: cases and materials; 3rd ed. Charlottesville, Michie Co., 1989, 857 p.
2. Glenn A. Woroch. The economics of intellectual property protection for software: the proper role for copyright. Published by Department of Economics University of California – Berkeley, 1994
3. Lei Sun ; Li Zhao ; Xin Tong và W. Clock Carey, The legal envỉonment for copyright Protection and Trust management in China [i]
4. Trần Văn Nam, Về khai thác khía cạnh thương mại của quyền tác giả thông qua các tổ chức quản lý tập thể tại Việt Nam; Tạp chí kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, số 147, tháng 9/2009
[*] Bài viết đăng kỷ yếu và trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội; Tiểu ban số 7: Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bên vững.

Nguồn: Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội; Tiểu ban số 7: Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bên vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét