Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Từ quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng

I. Di sản dùng vào việc thờ cúng 
Thờ cúng tổ tiên là phong tục đã có từ rất xa xưa của người Việt và hiện nay vẫn được coi trọng. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên cơ sở của quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hoá: tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; con người có nguồn cội, tổ tông vì vậy con, cháu phải tôn trọng và biết ơn những thế hệ cha ông đã sinh ra mình. Thờ cúng tổ tiên, di sản thờ cúng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Vì vậy, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước rất chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. 
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật thời thực dân - phong kiến “là phần động sản hay bất động sản trong gia tài dùng vào việc cúng giỗ một người vợ hoặc người chồng người ấy và việc cúng giỗ tổ tiên bên nội người ấy”. Thông thường, di sản dùng vào việc thờ cúng được chuyển giao cho người nối dõi hay được coi là nối dõi người đã chết để sử dụng thu hoa lợi dùng vào việc thờ cúng cho người để lại hương hoả và những người theo quan hệ huyết tộc của người đó. Phần tài sản dùng vào việc thờ cúng không quá 1/5 tổng giá trị tài sản của người để lại di sản đó. Di sản dùng vào việc thờ cúng được coi như trường tồn, do vậy không thể chia thừa kế. Tuy nhiên, di sản dùng vào việc thờ cúng có thể bị mất đi ngoài ý chí của cá nhân do bị tiêu huỷ hay bị trưng dụng do hội đồng gia tộc quyết định hoặc theo quy định của pháp luật. Luật pháp của chế độ thực dân - phong kiến còn quy định trong trường hợp một người vì không có con, cháu hoặc không có con trai thì việc thờ cúng người đó vẫn được thực hiện theo một trong hai hình thức xác lập, chuyển giao ruộng đất dùng vào việc thờ cúng người đó sau khi qua đời, được gọi là hậu điền và kỵ điền.
Hậu điền và kỵ điền khác nhau về căn cứ xác lập và đều khác hương hoả, mặc dù chúng đều được dùng vào mục đích thờ cúng người đã chết và tổ tiên của người đó. Nếu người hưởng hương hoả là con trai, cháu trai của người để lại hương hoả thì đối với người được chuyển giao hậu điền hay kỵ điền lại là người có thể thuộc dòng họ bên nội hoặc chỉ là người cùng làng (thôn) của người đó.
 Đối với hậu điền, trong trường hợp một người vì không có con, cháu, khi còn sống đã hiến ruộng đất cho dòng họ hoặc cho làng để làm công ích với mục đích khi người hiến ruộng đất chết thì dòng họ hoặc làng sẽ cúng giỗ người này. Hình thức xác lập và chuyển giao tài sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp này gọi là “hậu điền”.  
Kỵ điền là tài sản dùng vào việc thờ cúng, được hình thành do một người không có con trainên con gái mua ruộng để hiến cho dòng họ của người cha hoặc cho làng với mục đích dòng họ hoặc làng có nghĩa vụ cúng giỗ cho cha, mẹ của người con gái đã hiến ruộng đó.
Như vậy, hậu điền là ruộng đất thuộc di sản của người chết để lại, còn kỵ điền không phải là ruộng đất thuộc di sản của người chết mà là tài sản của người con gái (do cha mẹ không sinhđược con trai) đã hiến cho dòng họ của người cha hoặc cho làng để thực hiện việc cúng giỗ cho cha, mẹ của người con gái đó.
Từ sau năm 1945, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ của công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Đặc biệt là từ khi Pháp lệnh Thừa kế được ban hành (có hiệu lực vào ngày 10/9/1990), di sản dùng vào việc thờ cúng đã được quy định cụ thể. Điều 21 của Pháp lệnh ghi rõ: “Nếu người lập di chúc có để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia”. Tuy nhiên, dù có để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thì theo nguyên tắc, nếu di sản khác của người chết để lại không bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản đó với người khác thì di sản dùng vào việc thờ cúng phải được coi là di sản chưa chia và cũng phải đưa vào khối tài sản thanh toán nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại.
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 673 và BLDS năm 2005 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 670. Các điều luật trên có nội dung khác và không được rõ ràng như quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh Thừa kế. Theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thừa kế thì di sản dùng vào việc thờ cúng là di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản đó có quyền chia di sản đó... Nhưng theo quy định tại các Điều 673 BLDS năm 1995 và 670 BLDS năm 2005 thì di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế mà chỉ để dùng vào việc thờ cúng. Điều 670 BLDS năm 2005 quy định: “1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Theo quy định trên, những vấn đề pháp lý có liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng cần phải được xác định. Việc xác định những vấn đề pháp lý có liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng rất quan trọng, vì chúng là cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì hiện nay ở nước ta không hẳn là không có những nhận thức sai những quy định pháp luật về loại di sản này.
1. Căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng: Do người lập di chúc định đoạt phần di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ rõ phần tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó là phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này có thể là khoản tiền cụ thể, có thể là quyền tài sản, có thể là những vật, giấy tờ có giá khác. Về di sản dùng vào việc thờ cúng, không nên hiểu là chỉ những loại tài sản do người chết để lại theo di chúc, không chỉ là những tài sản do người lập di chúc xác định mà còn các loại tài sản khác được dùng vào việc thờ cúng. Điều 670 BLDS quy định về căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp cụ thể liên quan đến việc cá nhân người để lại di sản đó với tư cách chủ sở hữu tài sản định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật. Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng của gia đình, dòng họ còn do nhiều người lập di chúc để lại, nhưng xác định loại di sản này trong từng quan hệ độc lập việc người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng định đoạt theo di chúc. Ngoài căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng do người lập di chúc định đoạt trong di chúc, di sản dùng vào việc thờ cúng còn do con, cháu tự sắm sửa trong một năm, nhiều năm để dùng vào việc thờ cúng, thậm chí di sản dùng vào việc thờ cúng còn do các con, cháu trong dòng họ hiến tặng cho nhà thờ họ hoặc di sản dùng vào việc thờ cúng do các thế hệ trước để lại một cách tự nhiên mà không có bất kỳ lời dặn dò hay văn bản xác định đó là di sản dùng vào việc thờ cúng. Có thể khẳng định, di sản dùng vào việc thờ cúng một người, hay các thành viên đã chết của gia đình, dòng họ được xác lập từ nhiều căn cứ khác nhau, nhưng pháp luật quy định căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng do một người để lại theo di chúc và căn cứ này có ý nghĩa pháp lý trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng do người lập di chúc để lại. Những loại tài sản khác là di sản dùng vào việc thờ cúng được hình thành từ các căn cứ khác nhau, vẫn là di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về một gia đình, trưởng họ dùng vào việc thờ cúng và loại tài sản này pháp luật không đề cập. Chỉ khi có nhận thức và sự thống nhất trong cách hiểu về di sản dùng vào việc thờ cúng như trên, mới có thể giải quyết được những tranh chấp liên quan đến căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 670 BLDS.
2. Loại tài sản và giá trị tài sản dùng vào việc thờ cúng: Pháp luật không quy định loại tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng mà Điều 670 BLDS quy định người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS đều là đối tượng dùng vào việc thờ cúng. Về ngữ nghĩa của hai nhóm từ được dùng trong điều luật và nhóm từ thường dùng trong cuộc sống cần phải được hiểu đúng. Di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản dùng để thờ cúng được hiểu rất khác nhau.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là tài sản được dùng vào mục đích thờ cúng. Tài sản này không nên hiểu theo nghĩa cơ học của chính nó mà phải hiểu bản chất tài sản, có chứa đựng bản chất giá trị tài sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng trước hết là tài sản, tài sản này xét về giá trị phục vụ cho mục đích thờ cúng. Loại tài sản dùng vào việc thờ cúng không đồng nhất về cơ cấu hoá, lý, sinh nhưng đồng nhất về mặt tài sản được dùng với mục đích thờ cúng.
Di sản để thờ cúng: Nếu hiểu theo nghĩa vật chất của tài sản thì không phải vật nào cũng được dùng để thờ cúng. Vật (tài sản) được dùng để thờ cúng là vật được sử dụng trực tiếp để thờ cúng: Mâm cỗ, hoa, quả, rượu, nước, hương (nhang), nến, câu đối, lục bình, chân dung (ảnh) của những người đã chết, câu đối, rèm bàn thờ và bàn thờ… Còn những tài sản tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể khác không thể đặt lên bàn thờ để thờ cúng: Xe hơi, xe môtô, quyền sử dụng đất, quyền tác giả các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ, quyền hưởng khoản tiền bảo hiểm, một con vật nuôi cụ thể còn sống… Tuy nhiên, cách đặt vấn đề trên đây không nhằm mục đích phủ định những loại tài sản trên không thể được dùng vào việc thờ cúng. Cách giải thích từ ngữ trên đây là nhằm để xác định nghĩa của từ: Di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản để thờ cúng rất khác nhau. Di sản dùng vào việc thờ cúng là tài sản, do vậy xe hơi, môtô, con trâu, máy cày, quyền sử dụng đất, quyền tài sản là thành phần của di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng chúng không phải là di sản được dùng trực tiếp để thờ cúng mà phải quy đổi giá trị để mua sắm lễ vật dùng để thờ cúng theo tôn giáo, theo phong tục.
Về giá trị kinh tế của di sản dùng vào việc thờ cúng: Nội dung Điều 670 BLDS không quy định cụ thể giá trị kinh tế của di sản dùng vào việc thờ cúng chiếm tỉ lệ nhất định nào trong tổng giá trị khối di sản của người chết để lại, do vậy xung quanh vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng (xét về kinh tế) theo tỉ lệ nào trong giá trị di sản của người chết để lại là hợp lý? Về vấn đề này, chúng tôi có những cách hiểu theo lập luận sau:
Cách hiểu thứ nhất, nếu theo câu chữ tại Điều 670 BLDS thì hiểu một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản (di sản) do người lập di chúc để lại. Theo cách hiểu này thì một phần di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định căn cứ vào cách chia di sản của người chết thành nhiều phần bằng nhau, chọn cách chia thành một trăm phần, theo đó một phần không thể lớn hơn năm mươi phần trăm của tổng giá trị di sản của người lập di chúc để lại. Nếu phần di sản dùng vào việc thờ cúng lớn hơn 1/2 tổng giá trị di sản của người chết để lại thì khi đó là phần lớn mà không thể hiểu là một phần. Cách hiểu này về hình thức tương đối phù hợp với thực trạng của đời sống xã hội.
Cách hiểu thứ hai, phủ nhận cách hiểu thứ nhất ở những căn cứ pháp luật quy định quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản của mình theo di chúc cho người thừa kế, để lại di sản dùng vào việc thờ cúng theo luật định. Như vậy, người lập di chúc có quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để dùng vào việc thờ cúng. Quyền tự định đoạt của người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhấtnếu sự định đoạt đó vi phạm quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 669 BLDS. Nếu người lập di chúc định đoạt phần lớn hoặc toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng mà xâm phạm đến quyền được hưởng 2/3 suất thừa kế được chia theo pháp luật của cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi và các con tuy đã thành niên mà không có khả năng lao động thì trước hết tính phần thừa kế cho những người này theo quy định tại Điều 669 BLDS, phần còn lại là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Trường hợp thứ hai, quyền của người lập di chúc định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng bị hạn chế trong trường hợp toàn bộ tài sản của người đó để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng (khoản 2 Điều 699 BLDS).
Với những quan điểm khác nhau về một phần di sản dùng vào việc thờ cúng trên đây, sự cần thiết phải xác định phần di sản dùng vào việc thờ cúng nên được hiểu như thế nào cho phù hợp? Chúng tôi đồng ý với cách hiểu thứ hai về di sản dùng vào việc thờ cúng đã được lập luận trên đây. Tuy nhiên, cần phải xác định di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 669 BLDS nên được hiểu như thế nào cho phù hợp với bản chất pháp luật quy định về loại di sản này. Cách hiểu thứ nhất về một phần di sản dùng vào việc thờ cúng mà chỉ dựa trên góc độ toán học thì không toàn diện. Tìm hiểu pháp luật mà chỉ dùng phương pháp toán học để lý giải vấn đề đặt ra thì không thể giải quyết thoả đáng. Pháp luật không những điều chỉnh những quan hệ xã hội thuộc đối tượng của luật mà còn có ý nghĩa phản ánh bản chất của quan hệ xã hội do nó điều chỉnh. Như vậy, một phần di sản dùng vào việc thờ cúng không nên hiểu theo cách chia nhỏ tổng giá trị di sản của người chết thành nhiều phần bằng nhau để có căn cứ xác định một phần theo cách chia nhỏ tài sản. Hiểu như vậy không thoả đáng, vì đã máy móc hiểu bản chất của vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng và quyền tự do định đoạt ý chí của người có để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là phạm vi giá trị di sản đó và di sản đó chỉ được dùng với mục đích duy nhất là dùng vào việc thờ cúng. Quyền định đoạt của người lập di chúc định đoạt mục đích sử dụng của di sản này chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp như cách hiểu thứ hai trên đây. Ngoài ra, quyền định đoạt của người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng không bị ràng buộc vào bất kỳ quy định nào khác, trừ trường hợp di sản đó bị tiêu huỷ do có sự biến pháp lý tuyệt đối (bão lụt, động đất, hiện tượng thiên tai khác… và chiến tranh). Với những lập luận này, chúng tôi bảo vệ cách hiểu thứ hai về di sản dùng vào việc thờ cúng với nhận định: Người lập di chúc có quyền để lại toàn bộ tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Quyền của người định đoạt di sản này chỉ bị hạn chế theo quy định tại Điều 669 và khoản 2 Điều 670 BLDS.
Với những lập luận trên, cũng nhằm phủ định ý kiến cho rằng di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ là một phần nhỏ trong tổng giá trị di sản của người chết để lại, vì di sản của người chết để lại phải được dùng vào sản xuất kinh doanh, phát sinh lợi nhuận để tránh lãng phí. Ý kiến này chỉ là sự suy đoán, bởi vì di sản dùng vào việc thờ cúng vẫn có thể được dùng để khai thác về mặt thương mại. Pháp luật không cấm dùng tài sản thờ cúng vào sản xuất kinh doanh, miễn sao di sản đó được dùng với mục đích thờ cúng.
       3Nghĩa vụ của người thực hiện thờ cúng theo di chúc và theo thoả thuận của những người thừa kế
- Thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo di chúc: Người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo sự định đoạt của người lập di chúc thì phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, nếu người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đó thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Cách thức chuyển giao di sản cho người khác quản lý dùng vào việc thờ cúng theo thoả thuận của những người thừa kế thì người được chỉ định có nghĩa vụ quản lý di sản đó để dùng vào việc thờ cúng theo thoả thuận. Như vậy, chủ thể quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định dựa trên một trong hai căn cứ: Theo sự chỉ định của người lập di chúc để lại di sản đó và theo thoả thuận của những người thừa kế của người để lại di sản.
- Thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo chỉ định của những người thừa kế theo pháp luật: Theo đoạn 2 khoản 1 Điều 670 BLDS thì “trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng”. Những người thừa kế được quy định là những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thờ cúng. Khẳng định này dựa trên cơ sở của phong tục, truyền thống thờ cúng những người thân thích đã tồn tại từ ngàn xưa trong nhân dân ta. Theo phong tục thì những người ngoài dòng tộc không có nghĩa vụ thờ cúng người thuộc dòng tộc khác. 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 670 BLDS, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Theo quy định trên, sự cần thiết phải xác định hành vi của người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế trong việc thực hiện nghĩa vụ thờ cúng?
Trước hết, người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng phải thực hiện nghĩa vụ đúng với nội dung của di chúc, do người để lại di sản đó yêu cầu. Như vậy, hành vi của người vi phạm nghĩa vụ thờ cúng được xác định do người đó đã không thực hiện đúng với nội dung của di chúc sử dụng di sản thờ cúng, để có căn cứ xác định người quản lý vi phạm nghĩa vụ thờ cúng.
Thứ hai, người quản lý di sản không thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo thoả thuận của những người thừa kế, là căn cứ để xác định người quản lý di sản thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng.
Việc thờ cúng phải được tiến hành như thế nào, pháp luật không quy định và không thể quy định vì tính phong phú của phong tục, lễ giáo, tôn giáo… Theo chúng tôi, pháp luật thừa nhận và bảo vệ quan hệ về di sản thờ cúng trong nhân dân như một nét văn hoá, phong tục. Tuy nhiên, việc thờ cúng được hiểu là phong tục, nghi lễ phản ánh tình cảm của các con, các cháu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân thích khác đã chết cũng có chung một chuẩn mực, cho dù người thờ cúng tổ tiên thuộc dân tộc nào.
Ngày cúng giỗ người chết luôn luôn được xác định vào thời gian nhất định, vào đúng ngày trong tháng người đó đã chết cách đó một năm, ba năm, năm năm, hai mươi năm, năm mươi năm… Việc thờ cúng được thực hiện theo phong tục cúng tuần đầu kể từ ngày người để lại di sản thờ cúng chết. Thờ cúng vào ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, ngày thanh minh hàng năm… Cách thức thờ cúng có bàn thờ, thờ cúng ngoài trời (bàn thờ thiên), thờ cúng tại nơi mai táng người đó, thờ cúng người đó tại chùa… là phụ thuộc vào phong tục của nhân dân trong vùng đó, thậm chí theo quy ước của tôn giáo nhất định… Như vậy, pháp luật không thể quy định về thờ cúng tổ tiên, người đã chết phải tuân theo khuôn khổ cụ thể nào. Người thờ cúng có sắp cỗ hay không sắp cỗ, có hoa, nến, đèn thờ, bài cúng… cúng trong thời gian ngắn hay cúng trong thời gian dài, cúng vào ban ngày, ban đêm… là tùy thuộc vào phong tục nơi dân cư.
Theo chúng tôi, người có nghĩa vụ quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng theo chỉ định của người để lại di sản hoặc theo thoả thuận của những người thừa kế cử ra nếu vi phạm những yêu cầu theo di chúc hoặc vi phạm những thoả thuận của những người thừa kế thì người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng bị xác định là vi phạm nghĩa vụ thờ cúng. Việc giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho ai quản lý để sử dụng dùng vào việc thờ cúng là do những người thừa kế quyết định theo thoả thuận. Theo đó, khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng thì cơ quan áp dụng pháp luật phải căn cứ vào nội dung của di chúc định đoạt di sản này hoặc phải căn cứ vào thoả thuận của những người thừa kế của người để lại di sản thờ cúng để giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết tranh chấp này, sự cần thiết phải xác định di sản dùng vào việc thờ cúng là loại di sản nào: là một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, nhà thờ hay quyền tài sản… của người chết để lại. Khi xác định loại di sản dùng vào việc thờ cúng là vật cụ thể hay quyền tài sản hay một khoản tiền hoặc một khoản lợi tức, những hoa lợi thu được từ tài sản thì việc xác định những lợi ích tài sản thu được từ loại di sản này (nếu có) cũng cần phải xác định. Di sản dùng vào việc thờ cúng còn được xem xét ở dạng “động” mà không nên chỉ xem xét ở dạng “tĩnh” của tài sản.
4. Xử lý di sản dùng vào việc thờ cúng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 670 BLDS thì:“Trong trường hợp tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Theo quy định trên, di sản dùng vào việc thờ cúng không phải là loại di sản được coi là trường tồn mà loại di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ tồn tại trong một thời hạn nhất định. Thời hạn di sản thờ cúng không được coi là di sản thờ cúng nữa, phụ thuộc vào sự kiện pháp lý tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết, theo đó phần di sản thuộc về người đang quản lý hợp pháp trong số những người được thừa kế theo các hàng được quy định tại Điều 676 hoặc là người thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 BLDS. Theo quy định này thì người đang quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng cũng đồng thời là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản là chủ sở hữu của di sản dùng vào việc thờ cúng, nếu tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết. Trong trường hợp này, người là chủ sở hữu di sản có quyền định đoạt di sản theo ý chí của chủ sở hữu, di sản được coi là di sản được dùng vào việc thờ cúng không còn là di sản thờ cúng nữa mà là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người được xác lập quyền sở hữu đối với loại di sản này, theo quy định của pháp luật. Điều 670 BLDS chỉ quy định về một trường hợp giải quyết di sản dùng vào việc thờ cúng mà không quy định trong trường hợp người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không thuộc diện thừa kế của người để lại di sản mà tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng sẽ được giải quyết như thế nào?
Nếu người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản đó mà tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì di sản dùng vào việc thờ cúng được giải quyết như thế nào, pháp luật không quy định. Người lập di chúc có quyền chỉ định bất kỳ ai, người thuộc diện thừa kế theo pháp luật quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng hoặc chỉ định người ngoài diện thừa kế của mình quản lý di sản. Trong trường hợp người lập di chúc chỉ định người ngoài diện thừa kế theo pháp luật quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì di sản thờ cúng trong trường hợp này không thể thuộc về người quản lý. Theo chúng tôi, để giải quyết di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp này, cần thiết phải căn cứ vào nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản dùng vào việc thờ cúng, vì sự kiện pháp lý phát sinh khi tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết, phần di sản này được đem chia theo pháp luật. Vì điều kiện tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết là một căn cứ chấm dứt nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng đồng thời quyền sở hữu đối với di sản đó ở người đang quản lý trong số những người thừa kế theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không thuộc diện thừa kế theo pháp luật, di sản đó được trả lại cho những người thừa kế theo pháp luật để họ xử lý theo ý chí của họ. Những người thừa kế trong trường hợp này có hai cách giải quyết:
Thứ nhất, họ tiếp tục thoả thuận với nhau để chỉ định người quản lý di sản và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng và không cần tuân theo cách thức giải quyết di sản thờ cúng theo quy định của pháp luật. Cách thức này phù hợp với phong tục thờ cúng và là cách thức khác với quy định của pháp luật, không trái với nguyên tắc của pháp luật dân sự, không trái đạo đức xã hội.
Thứ hai, những người thừa kế trong hàng được hưởng có quyền chia di sản đó theo quy định tại Điều 676 BLDS.
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 670 BLDS hiện hành đã phần nào đáp ứng được phong tục tập quán tồn tại từ lâu đời trong nhân dân ta là thờ cúng tổ tiên và những người đã chết trong gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự phù hợp với quan hệ xã hội hiện đại và chưa đáp ứng triệt để mục đích và phong tục thờ cúng đã như một nét văn hoá độc đáo trong nhân dân. Quy định tại khoản 1 Điều 670 BLDS đã làm rắc rối vấn đề vốn rất đơn giản và rất được phổ biến trong nhân dân. Đó là quy định: “Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Đây là quy định không những khó hiểu, khó áp dụng và thực tế không thể áp dụng được do quan niệm về phong tục thờ cúng trong nhân dân. Di sản thờ cúng không những chỉ đơn thuần là tài sản mà nó còn là đối tượng thiêng liêng không thể xâm phạm, không thể bán, tặng cho… hoặc làm cho hao hụt vì nó gắn liền với danh dự của gia đình, dòng họ và thực tế nó không thể bị chiếm đoạt trái với ý chí của cả dòng họ, của các thành viên trong gia đình. Di sản dùng vào việc thờ cúng có thể mất đi do các sự biến pháp lý nhưng ngay lập tức hoặc có thời gian di sản đó lại được khôi phục nhanh chóng với quyết tâm của cả cộng đồng dòng họ, của các con, các cháu của người để lại di sản đó. Thậm chí nó luôn được bổ sung nhiều hơn và đầy đủ hơn theo quan niệm và phong tục thờ cúng trong nhân dân và nó còn được đổi mới, thay thế bằng những di sản khác với mục đích sử dụng trong việc thờ cúng. Như vậy, Điều 670 BLDS cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với đời sống xã hội và phong tục tốt đẹp đã tồn tại từ rất lâu đời trong nhân dân, trong xã hội Việt Nam, không phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, xã hội. Nên quy định rõ phạm vi di sản dùng vào việc thờ cúng chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm tổng giá trị di sản của người chết để lại; di sản dùng vào việc thờ cúng không những do người lập di chúc định đoạt từ tài sản của mình mà còn được xác định theo thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản đó. Ngoài ra, pháp luật nên có quy định thời hạn sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng để tránh sự xáo trộn trong việc sử dụng di sản đó và đồng thời cũng nhằm ngăn chặn những tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng trong dòng họ, trong gia đình của người để lại di sản đó nhằm giữ gìn sự bình ổn trong giao lưu dân sự và mối đoàn kết trong nhân dân và đó cũng là mục đích điều chỉnh của pháp luật.
IIVề di tặng 
Trước năm 1945, ở nước ta vấn đề di tặng cũng đã được quy định trong các Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Dân luật Trung Kỳ và trong các Sắc lệnh điền thổ ngày 21/7/1925 và ngày 29/3/1939. Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nói trên đều có những quy định phân biệt sự tặng giữ với di tặng; được gọi là sinh thời tặng giữ và di tặng nhân tử và đều được coi là cho.
Đối với sinh thời tặng giữ được thực hiện khi người tặng cho còn sống và người được tặng đồng ý nhận. Theo án lệ ở Nam Bộ trước đây thì sự tặng giữ bao giờ cũng có thể bị người tặng giữ bãi bỏ, trừ trường hợp người được tặng giữ đã chuyển giao tài sản tặng giữ cho người thứ ba thông qua một giao ước (hợp đồng). Nhưng theo quy định của Dân luật Bắc Kỳ, Dân luật Trung Kỳ và Sắc lệnh điền thổ nói trên thì sự tặng giữ không thể bị truất bãi. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể (vợ hoặc chồng vi phạm đạo đức hoặc người vợ đã phạm vào một trong bảy điều “thất xuất” sau: không thể sinh con; dâm dật; không thờ cha, mẹ chồng; lắm điều; trộm cắp; ghen tuông; có ác tật thì sự tặng giữ bị bãi bỏ. Dân luật Trung Kỳ còn quy định: Sự tặng giữ giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể bị truất bãi bất cứ lúc nào và vô điều kiện, mặc dù khi cho đã có điều kiện cấm đòi lại (Điều 798).
Đối với di tặng nhân tử, di tặng nhân tử chỉ có thể thực hiện được sau khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng có quyền sở hữu vật di tặng kể từ thời điểm nhận vật. Trong trường hợp người được di tặng chết trước người để lại di tặng thì sự di tặng đó không có hiệu lực thi hành. Theo quy định của pháp luật thì di tặng mang tính chất cá nhân, theo đó người nào được chỉ định đích danh thì được thụ hưởng. Nhưng từ sau năm 1945, ở nước ta không có quy định nào về di tặng. Chỉ đến khi BLDS năm 1995 được ban hành, về di tặng được quy định tại Điều 674. Khi BLDS năm 2005 được ban hành, thay thế BLDS năm 1995, về di tặng được quy định tại Điều 671, có nội dung tương tự như như quy định tại Điều 674 BLDS năm 1995, tuy có thay đổi một số từ (Điều 674 BLDS năm 1995 quy định: “nghĩa vụ tài sản của người di tặng”, còn BLDS năm 2005 quy định: “nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc”). Như vậy, về di tặng chỉ được quy định từ BLDS năm 1995 và hiện nay, di tặng được quy định trong BLDS năm 2005.
Trước hết, bản chất của di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì: Hợp đồng tặng cho là sự thoả thuận giữa người được tặng cho và người tặng cho. Chủ thể tặng cho và chủ thể được tặng cho đều phải còn sống để thể hiện ý chí cho và nhận tài sản. Nhưng di tặng chỉ phát sinh từ cơ sở định đoạt của người có di sản lập di chúc và người được chỉ định nhận di tặng khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng chỉ có thể là một người hay nhiều người cụ thể, là người này mà không phải là người khác, tuỳ thuộc vào sự định đoạt của người có di sản lập di chúc.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ tài sản, nghĩa vụ tài sản của người chết để lại được chuyển dịch cho người thừa kế. Di tặng là phần di sản của một người được để lại để tặng cho người khác theo sự định đoạt của người có tài sản đó bằng cách lập di chúc. Quyền của người được chỉ định hưởng di tặng có được đáp ứng ngay hay không được đáp ứng ngay sau khi người để lại di sản chết? Địa vị của người được hưởng phần di tặng có tương tự như địa vị của người thừa kế theo di chúc trong quan hệ nhận di sản thừa kế? Giải đáp những vấn đề đặt ra, cần thiết phải xác định phạm vi và tính chất của di tặng trong mối liên hệ với di sản thừa kế như sau:
1. Di tặng là một phần tài sản trong khối di sản của người chết để lại; việc xác định giá trị của di tặng không thể vượt ra ngoài phạm vi giá trị khối di sản của người chết. Trước hết, phải thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại từ khối di sản của người đó và tuân theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Điều 683 BLDS năm 2005, phần di tặng được trừ từ di sản còn lại đó. Người được di tặng không phải là người được thừa kế di sản mà được hiểu là người có quyền tài sản từ khối di sản của người để lại di tặng. Như vậy, di tặng chỉ phát sinh từ căn cứ duy nhất - từ di chúc. Thực chất, phần di tặng đã được xác định theo sự định đoạt của người lập di chúc vẫn thuộc về người được di tặng; theo đó phần di sản sau khi đã trừ đi phần di tặng còn lại là di sản được chia thừa kế. Nhưng trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người di tặng thì phần di tặng khi đó cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này. Người được di tặng là ai cần phải được đặt ra, vì lợi ích của người được di tặng có sự liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo quy định tại Điều 669 BLDS năm 2005. Nếu người được di tặng là người không thuộc diện thừa kế theo pháp luật thì phần người này được di tặng được khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; nếu phần di tặng đó chiếm phần lớn giá trị di sản của người lập di chúc. Phương thức trên cũng được áp dụng đối với người được di tặng khác đồng thời là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di tặng. Trong trường hợp người được di tặng đồng thời là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà giá trị phần di tặng đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của những người khác - người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì giá trị di tặng do người này được hưởng cũng bị khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người nói trên (Điều 669 BLDS năm 2005).
2. Trong trường hợp toàn bộ khối di sản của người để lại di tặng chỉ còn một phần ngang bằng với phần di tặng hoặc thấp hơn phần di tặng xác định được (theo giá trị) sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại, thanh toán cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (nếu có) thì phần tài sản còn lại đó thuộc về người được di tặng. Tuy nhiên, theo Điều 671 BLDS năm 2005 thì: “Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc”. Một phần di sản mà người lập di chúc dành để di tặng cho người khác hưởng có thể được định lượng bằng một khoản tiền, có thể được chỉ định đích xác một vật cụ thể, khác tiền. Việc giải quyết di tặng trong tình huống trên cần phải dựa vào sự định đoạt của người để lại di tặng là tiền hay là vật khác tiền? Để giải quyết thoả đáng các tình huống trên, cần phải xác định rõ những trường hợp sau đây:
Di tặng là vật vẫn còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, sau khi đã thanh toán toàn bộ khoản nợ của người chết để lại thì vật đó thuộc về người được di tặng. Ngược lại, vật mà người lập di chúc đã chỉ định dùng để di tặng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế của người để lại vật đó thì việc di tặng sẽ không thể thực hiện được (do đối tượng của di tặng không còn). Đối tượng của di tặng là vật (khác tiền) phải được hiểu là vật đặc định hoặc vật đã được đặc định hoá. Việc di tặng cũng không thể thực hiện được trong trường hợp vật được người lập di chúc chỉ định để di tặng cho một người hoặc di tặng cho nhiều người đã được dùng toàn bộ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó với người khác.
Di tặng là một khoản tiền nhất định mà người di tặng đã ghi rõ trong di chúc và di sản vẫn còn thì người được di tặng hưởng khoản tiền đã xác định từ di sản.
Nhưng trong trường hợp toàn bộ di sản của người để lại di tặng không đủ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó thì cho dù di tặng được xác định là một vật hay là một khoản tiền thì chúng đều được dùng để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại (quyền của các chủ nợ được ưu tiên thanh toán).
3. Người được di tặng có quyền nhận và cũng có quyền từ chối quyền hưởng di tặng mà không hạn chế quyền định đoạt như đối với người thừa kế. Người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật của người để lại di tặng. Người thừa kế theo di chúc hay người thừa kế theo pháp luật chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại từ di sản của chính người đó. Người được di tặng không phải dùng di tặng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết, nếu di sản khác của người để lại di tặng vẫn còn đủ để thanh toán. Phần di tặng liên quan đến sự từ chối quyền hưởng của người được di tặng là di sản để chia thừa kế theo pháp luật - tương tự như phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực thi hành.
4. Quan hệ giữa người được di tặng với những người thừa kế khác là quan hệ giữa bên có quyền tài sản đối với bên thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản của người chết để lại di tặng. Người được di tặng không phải là chủ nợ của người để lại di sản. Phần di tặng không phải là một khoản trả nợ được chuyển giao cho người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản, bởi vì nếu di tặng là một khoản nợ sẽ được ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 683 BLDS năm 2005. Mối quan hệ giữa người được di tặng với những người thừa kế khác là quan hệ nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở tự định đoạt ý chí của người để lại di tặng. Người thừa kế phải chuyển giao phần di tặng từ di sản của người để lại di tặng là thực hiện nghĩa vụ về tài sản bằng chính tài sản của người để lại di sản để lại nghĩa vụ đó. Điều kiện di sản còn tồn tại là căn cứ phát sinh nghĩa vụ của những người thừa kế chuyển giao phần di tặng cho người có quyền nhận theo sự định đoạt của người để lại di tặng. Nghĩa vụ của người thừa kế đối với người được di tặng dựa trên căn cứ di chúc hợp pháp.
5. Trong trường hợp người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản của mình để di tặng thì việc xác định k phần bắt buộc cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 669 BLDS năm 2005, cũng được giải quyết tương tự như trong trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản đối với các trường hợp khác không phải là di tặng. Phần còn lại sau khi đã trừ đi tổng số k phần bắt buộc cho từng người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, là phần di tặng được chuyển giao cho người được di tặng.
Những quy định về di tặng, pháp luật chỉ định lượng di sản mà không định tính tài sản, do vậy mọi tài sản xác định được giá trị về kinh tế đều có thể quy đổi thành giá trị của di tặng. Pháp luật quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho người lập di chúc định đoạt tài sản của mình một cách tự do nhất và không bị ràng buộc vào tính chất của tài sản mà chỉ quan tâm đến giá trị của tài sản dùng để di tặng. Tuy nhiên, trên thực tế và theo truyền thống, phong tục, thói quen thì không phải mọi loại tài sản đều có thể được dùng để di tặng.
Về di tặng, một câu hỏi thực tế được đặt ra và cần phải giải quyết thoả đáng, Điều 671 BLDS năm 2005 quy định cho người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để tặng cho người khác nhưng điều luật nói trên lại không quy định tính chất của phần di tặng đó. Như vậy, nếu theo sự suy đoán thông thường thì không phải mọi tài sản của người chết để lại đều được dùng để di tặng. Tài sản dùng để di tặng chỉ bao gồm những vật (tài sản) có giá trị kinh tế nhỏ mang ý nghĩa tinh thần là cơ bản và nó được xem như vật k niệm dành cho người được di tặng. Cách hiểu như trên không đúng với nội dung của Điều 671 BLDS năm 2005, bởi vì tại khoản 1 Điều 671 BLDS đã quy định di tặng là: “việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác”Nếu viện theo quy định tại Điều 163 BLDS năm 2005 thì các quyền tài sản của một người cũng là tài sản của người đó. Như vậy, quyền sử dụng đất của cá nhân cũng là tài sản và theo đó nó cũng có thể là đối tượng của di tặng (tuy nhiên phải phù hợp với những điều kiện do BLDS và Luật Đất đai quy định). Từ cách đặt vấn đề như trên thì di sản dùng để di tặng được hiểu không những bao gồm vật đặc định hoặc vật được đặc định hoá, khoản tiền mà còn là các quyền tài sản khác của người để lại di chúc nhằm để di tặng quyền đó cho người khác. Ngoài ra, người được di tặng không thể hiểu chỉ có thể là cá nhân. Cách hiểu như vậy không đúng, vì pháp luật không quy định người được di tặng chỉ có thể là cá nhân.
Theo cách hiểu về tài sản và di tặng như trên thì đối tượng của việc di tặng được xác định trong phạm vi rộng bao gồm:
- Tài sản là vật đặc định hoặc tài sản được đặc định hoá;
- Các quyền tài sản của một người bao gồm: Quyền sử dụng đất, số dư trên tài khoản gửi tổ chức tín dụng bằng tiền Việt Nam (VNĐ), ngoại tệ, các trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền nhận số tiền bảo hiểm, các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lý khác, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp… Di tặng là một phần trong khối di sản của một người để lại khi qua đời, sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người để lại di sản đó với người khác mà phần di sản còn lại đó vẫn bảo đảm được quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc./.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét