Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008

1. Đặt vấn đề
Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật thuế TNDN năm 2008) được Quốc hội thông qua ngày 03/06/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, bên cạnh việc góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Luật đã trở thành một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết các chính sách kinh tế - xã hội và “cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng”[1]. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thuế và đang hoạt động (tính đến ngày 31/12 mỗi năm) hàng năm đều tăng so với năm trước, cụ thể: năm 2008 là 286.401 doanh nghiệp; năm 2009 là 348.421 doanh nghiệp; năm 2010 là 423.073 doanh nghiệp; năm 2011 là 464.190 doanh nghiệp; năm 2011 là 440.763 là doanh nghiệp, năm 2012 là 461.134 doanh nghiệp[2]... Có được những kết quả như trên là nhờ Luật thuế TNDN năm 2008 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật thuế TNDN năm 2003, trong đó có các quy định về ưu đãi thuế (ƯĐT) TNDN.
Các quy định về ƯĐT TNDN trong Luật thuế TNDN năm 2008 và trong các văn bản hướng dẫn đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà mức độ hội nhập của nền kinh tế nước ta với kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh cần phải được tiếp tục cải thiện... thì các quy định về ƯĐT TNDN của Luật thuế TNDN năm 2008 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế phát sinh, đồng thời triển khai một cách có hiệu quả Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 và cũng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới theo hướng đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế và thực hiện giảm dần mức động viên, thì việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN năm 2008 là hết sức cần thiết, trong đó có những quy định về ƯĐT TNDN. Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN[3] (Dự thảo) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong công chúng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ và trao đổi một số ý kiến liên quan đến những quy định về ƯĐT TNDN trong Dự thảo.
2. Khái quát chung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN là một loại thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp. Chính vì thế Nhà nước sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế suất (ƯĐVTS) và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế nhằm tác động đến hoạt động đầu tư vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem chính sách ưu đãi về thuế TNDN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu điều tiết kinh tế - xã hội của mình. Việt Nam là một quốc gia có các điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, các điều kiện phát triển và nguồn lực về vốn được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền trong khi mục tiêu chiến lược được đặt ra là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì các chính sách, pháp luật về ƯĐT nói chung và ƯĐT TNDN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
 Về mặt lý luận, ƯĐT TNDN là việc Nhà nước dành cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển những điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, về thời gian miễn, giảm thuế và những vấn đề khác nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đó trong quá trình họat động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội[4]. Với tư cách là một chế định pháp luật, pháp luật về ƯĐT TNDN là tổng hợp các quy định do Nhà nước ban hành về các biện pháp, lợi thế nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế thu nhập cho những doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp dưới hình thức các ƯĐVTS, thời gian miễn giảm thuế và các hình thức khác trong những điều kiện nhất định so với các doanh nghiệp khác, qua đó nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn nhất định.
 Với tư cách là một công cụ góp phần điều tiết các chính sách kinh tế - xã hội, các quy định của pháp luật về ƯĐT TNDN đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các vùng, miền và giữa các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước thông qua các quy định pháp luật về ƯĐT tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung (TSC) để khuyến khích doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các quy định về ƯĐT TNDN còn góp phần điều hòa thu nhập, thực hiện công bằng xã hội.
Do tính chất có chọn lọc của chế độ ưu đãi về thuế TNDN nên chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhất định mới được hưởng ưu đãi. Tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn hưởng những ưu đãi về thuế TNDN phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 18 Luật thuế TNDN năm 2008. Theo đó, các ưu đãi về thuế TNDN chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định và đăng ký, nộp thuế TNDN theo kê khai. Đồng thời, doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT được xác định theo tỉ lệ doanh thu giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Riêng đối với ƯĐVTS và thời gian miễn giảm thuế TNDN không áp dụng đối với: thu nhập khác của doanh nghiệp; thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác; thu nhập từ kinh doanh trò chơi có thưởng, cá cược theo quy định của pháp luật và trường hợp khác được Chính phủ quy định.
Có hai hình thức ƯĐT TNDN phổ biến là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. ƯĐVTS là việc doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dưới hình thức áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức TSC trong một hời hạn nhất định. Điều 13 Luật thuế TNDN năm 2008 liệt kê 6 trường hợp được hưởng ƯĐVTS áp dụng cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong những lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước muốn khuyến khích đầu tư với hai mức thuế ưu ưu đãi là 20% và 10% (trong khi mức thuế suất áp dụng chung là 25%) và với thời hạn ưu đãi là 10 năm và 15 năm. Bên cạnh đó, ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế cũng được xem là một biện pháp để khuyến khích đầu tư và điều tiết thu nhập của doanh nghiệp. Theo hình thức ưu đãi này, doanh nghiệp thuộc đối tượng có thu nhập chịu thuế không phải nộp hoặc nộp ít hơn số thuế tương ứng với mức thuế suất đang áp dụng theo một tỷ lệ và trong một thời hạn nhất định. Theo quy định tại Điều 14 Luật thuế TNDN năm 2008, có hai nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Nhóm thứ nhất bao gồm: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo”. Nhóm thứ hai là: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo”.
Ngoài hai hình thức ưu đãi nêu trên, Luật thuế TNDN năm 2008 còn quy định một số hình thức khác như: chuyển lỗ (Điều 16) và trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 17). Đồng thời, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ và lao động là người dân tộc thiểu số, Luật thuế TNDN năm 2008 cũng có điều khoản mở cho phép áp dụng một số ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều đối tượng lao động nêu trên.
3. Những điểm mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong Dự thảo
Có thể nói, Ban soạn thảo đã dành sự quan tâm đáng kể cho vấn đề ƯĐT TNDN. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%, Dự thảo đã bổ sung thêm những điều, khoản quy định về chế độ ƯĐT TNDN theo hướng mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi được tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất và tập trung của các quy định pháp luật về ƯĐT TNDN trên cơ sở vẫn giữ nguyên mức thuế suất ưu đãi (TSƯĐ) quy định tại Luật thuế TNDN năm 2008. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính[5], những điểm mới cơ bản bao gồm:
Thứ nhất, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với một số đối tượng: doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh hoạt; bảo vệ môi trường; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế -xã hội đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, bao gồm: dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư -kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án, như trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hóa hoặc vùng nước chưa được khai thác, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.
Thứ ba, bổ sung áp dụng thuế suất 20% đối với: tổ chức tài chính vi mô; doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện các dự án, như trồng cây dược liệu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống.
Thứ tư, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Dự thảo cũng bổ sung quy định dành những ưu đãi về miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương).
Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung quy định áp dụng mức TSƯĐ 20% áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (điểm 1 khoản 6 Điều 1 Dự thảo). Quy định này là muốn chia sẻ khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt trong giai đoạn có những bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay.
4. Một số nhận định và kiến nghị
Qua phân tích những điểm mới về ƯĐT TNDN trong Dự thảo, chúng tôi nhận thấy rằng, nhìn chung Dự thảo đã bám sát và quán triệt quan điểm, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trên cơ sở tổng hợp và đúc rút những kinh nghiệm và vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật về thuế TNDN trong thực tế. Ban soạn thảo đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tập hợp và thống nhất các quy định về ƯĐT TNDN nằm rải rác ở những văn bản pháp luật ở những cấp độ khác nhau và trong những lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác nhau vào trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật để đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ, loại bỏ những mâu thuẫn, bất cập để tạo điều kiện cho việc thực thi một cách hiệu quả. Qua đó, giúp cho các chính sách và pháp luật về ƯĐT TNDN được ổn định và ngày càng phát huy vai trò là một trong các công cụ để Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quy định trong Dự thảo về ƯĐT TNDN cũng tạo ra không ít băn khoăn, những vấn đề cần trao đổi, góp ý thêm để hoàn thiện.
Một là, Dự thảo giảm mức TSC từ 25% theo quy định của Luật thuế TNDN năm 2008 xuống còn 23% trong khi vẫn giữ nguyên mức TSƯĐ là 10% và 20 % là chưa thật sự hợp lý và công bằng. Như vậy, chỉ có các doanh nghiệp thuộc diện không được ưu đãi mới thụ hưởng những lợi ích của mức thuế suất mới, trong khi các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi thì vẫn hưởng mức TSƯĐ. Từ đó cho thấy, khoảng cách về lợi thế ưu đãi trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp thông thường và các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ƯĐVTS đã được rút ngắn đáng kể. Điều này ít nhiều làm giảm tính hấp dẫn của chính sách ƯĐT TNDN, ảnh hưởng đến mục tiêu khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị cần xem xét điều chỉnh giảm mức TSƯĐ tương ứng với mức giảm xuống của mức TSC.
Hai là, cần cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý áp dụng mức thuế suất 20% cho các doanh nghiệp có quy mô nêu trên với lập luận “nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư”. Ý kiến này còn đề xuất một lộ trình cụ thể về việc áp dụng và cắt giảm mức lãi suất ưu đãi cho đối tượng này trong từng giai đoạn[6]. Loại ý kiến thứ hai phản đối việc áp dụng mức TSƯĐ theo như đề xuất của Dự thảo. Họ cho rằng, mặc dù chính sách này là đáng hoan nghênh và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay thì việc áp dụng mức TSƯĐ này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gây ra tình trạng “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề hoặc trên cùng một địa bàn. Mặt khác, việc ưu đãi này có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp lớn sẽ “lách luật” để trốn thuế bằng cách tự chia thành các doanh nghiệp nhỏ, gây thất thu về thuế và như vậy có nghĩa là quy định trên không những không phát huy tác dụng mà còn mang tính “khuyến khích ngược”[7]. Chúng tôi cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục có những trao đổi, thảo luận một cách thấu đáo nhằm đảo bảo tính hiệu quả của pháp luật.
Ba là, việc Dự thảo mở rộng địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm cả khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương) và tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu kinh tế (KTT) là chưa thuyết phục. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi cho rằng, “số lượng các KKT được thành lập trong thời gian qua tương đối lớn[8], thuộc địa bàn có điều kiện thuận lợi, được Nhà nước đầu tư khá lớn về hạ tầng song vẫn được hưởng mức ƯĐT cao nhất là chưa thật hợp lý”[9]. Theo các đại biểu, Chính phủ cần rà soát, khảo sát, đánh giá chi tiết về tính hiệu quả của việc áp dụng chính sách ƯĐT đối với các KKT để sửa đổi quy định trên theo hướng các doanh nghiệp trong các KKT sẽ hưởng ưu đãi theo địa bàn mà KKT đó tọa lạc. Đây là một đề xuất rất đáng được nghiên cứu và xem xét một cách nghiêm túc. Riêng đối với quy định về áp dụng ƯĐT cho các khu công nghiệp cũng cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân mà các khu công nghiệp đã bị đưa ra khỏi danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư trong Luật thuế TNDN năm 2008 là tình trạng ưu đãi tràn lan, thiếu trọng tâm trong khi các khu công nghiệp thường đặt ở những địa bàn thuận lợi như gần bến cảng, gần thành phố, điều kiện giao thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi... Từ đó, tạo ra một bất hợp lý là các doanh nghiệp nước ngoài thường chọn các khu công nghiệp để thành lập và thực hiện dự án đầu tư với những thuận lợi nhất định nhưng vẫn được hưởng những ưu đãi về thuế. Trong giai đoạn đầu khi chúng ta sử dụng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thì việc ƯĐT cho các khu công nghiệp là có thể hiểu được. Nhưng hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách thuế công bằng và không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thì việc quay trở lại áp dụng ưu đãi về thuế cho các khu công nghiệp là không phù hợp với tiến trình đó.
Bốn là, Dự thảo tiếp tục duy trì hai hình thức ƯĐT TNDN là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Điều này một mặt, có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “lách luật” bằng cách sau khi thời gian miễn, giảm thuế kết thúc sẽ tìm cách kê khai lỗ (hoặc thực hiện các thủ đoạn như chuyển giá chẳng hạn) hoặc tiến hành giải thể để thành lập doanh nghiệp mới; mặt khác, sẽ dẫn đến tình trạng chồng lấn giữa chế độ ƯĐVTS và thời gian miễn, giảm thuế. Vì vậy, Ban soạn thảo cần xem xét để chọn một trong hai hình thức ưu đãi: hoặc là ưu đãi theo thuế suất hoặc là ưu đãi theo thời gian miễn, giảm thuế./.



[1] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 1121/BC-UBTCNS13 ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
[2] Xem: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNDN: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tại: http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Xay-dung-phap-luat/10314/Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-Luat-Thue-TNDNTao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-cho. Truy cập ngày 04/04/2013.
[3] Toàn văn của Dự thảo  xem tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=744&TabIndex=1. Truy cập ngày 04/04/2013.
[4] Xem thêm: Nguyễn Thị Tú Nguyệt (2012), Pháp luật về ƯĐT TNDN (Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), tr. 5.
[5] Xem: Bộ Tài chính giới thiệu một số nội dung cơ bản về Dự thảo tại: http://www.tapchitaichinh.vn/Phan-tich-Binh-luan/Bo-Tai-chinh-gioi-thieu-mot-so-noi-dung-co-ban-ve-Du-an-Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-Luat-Thue-TNDN/23952.tctc. Truy cập ngày 05/04/2013.

[6] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

[7] Xem thêm: Vũ Xuân Tiền, “Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đừng vội phân biệt đối xử!”, tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1000. Truy cập ngày 05/04/2013.

[8] nước ta có 3 loại hình KKT đó là: KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT quốc phòng. Hầu hết các địa phương ven biển đều thành lập KKTTừ năm 2001 đến nay tính trên cả nước đã có khoảng 28 KKT cửa khẩuđược thành lập.
[9] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, tr. 7.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét