Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Trần lãi suất “tạo điều kiện” cho “tín dụng đen“?

Với mức trần lãi suất tiền gửi được ấn định 14%/năm như hiện nay, quy đổi chỉ tương đương với trần lãi suất 1,16%/tháng, âm so với lạm phát. Không loại trừ người có tiền đã tìm đến người có nhu cầu để cho vay không thông qua ngân hàng. Trên thị trường "tín dụng đen", lãi suất đang lên đến 108%/năm.
Thật - ảo?
Bất chấp quy định trần lãi suất, cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng vẫn ngày một nóng bỏng và dường như các biện pháp hành chính càng trở nên bất lực trước thực tế thị trường…
Nếu như trước đây, các ngân hàng (NH) chỉ “đi đêm” lãi suất (LS) đối với những khách hàng quen thì thời gian gần đây nhiều NH đã trực tiếp điện thoại mời chào. Mức LS thỏa thuận 17- 18%/năm của tháng trước đã trở nên lạc hậu và đã có NH đưa ra mức LS lên tới 19,5%/năm đối với số tiền lớn.
Tại Phòng giao dịch của một ngân hàng  trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), vẫn quyển sổ tiết kiệm với lãi suất 14%, song  bên góc quyển số, thay vì ghi nhẹ thêm bằng bút bi  “+3”  như tháng trước bây giờ là “+4” với nụ cười mời chào rất tươi của nhân viên…
Thậm chí, có NH tính luôn số lãi “vượt rào” và trả ngay bằng “tiền tươi” cho khách hàng khi đến gửi tiền. Tất cả trên số sách chứng từ NH vẫn là LS 14%/năm.

“Quy định 14%/năm nhưng thực tế không phải như vậy. 14%/năm không đủ bảo toàn vốn cho người gửi tiền, vả lại nếu NH nào không làm như vậy thì mất vốn…” - bà Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường đào tạo nhân lực Vietinbank thừa nhận.
Thế nhưng, trong báo cáo về hoạt động NH tháng 4/2011 vừa được NH nhà nước (NHNN) công bố, NHNN vn khẳng đinh: Trong tháng 4/2011, LS huy động VND ít biến động so với cuối tháng 3/2011, và rằng, nhìn chung các NH đều áp dụng mức LS huy động vốn tối đa 14%/năm, LS huy động bình quân 13,41%/năm.

Tương tự, với mức huy động 17- 18%/năm, thậm chí 19- 20%/năm, LS cho vay thực tế đã bị đẩy lên 25- 27% bởi bị cõng thêm các loại phí. Thế nhưng theo báo cáo của NHNN, LS cho vay VND bình quân ở mức 17%/năm, trong đó LS cho vay ngắn hạn phổ biến 16-17,5%; LS cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu 14-16%/năm; LS cho vay lĩnh vực phi sản xuất (kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) 18-22%/năm (?)
Huy động giảm - tiền đi đâu?
Bất chấp nhiều NH đã đẩy LS huy động lên khá cao, song báo cáo của NHNN cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đến 21/4 ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,84%.
“Điều này cho thấy dòng tiền đã chảy về các kênh đầu tư khác hoặc không loại trừ người có tiền đã tìm đến người có nhu cầu để cho vay không thông qua NH!”- một chuyên gia kinh tế bình luận. Được biết, hiện trên thị trường tư do, cứ cho vay 1 triệu đồng mỗi ngày được hưởng lãi 3 nghìn đồng, tính ra LS lên tới 9%/tháng, 108%/năm, gấp 8 lần giới hạn LS cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cách làm này phù hợp với những người có khoản tiền nhỏ, không muốn mất thời gian đến NH mà LS cao, nếu cho vay số tiền lớn, người cho vay cũng đòi hỏi có thể chấp.
Khá am hiểu trong lĩnh vực “bếp núc” NH, một chuyên gia lý giải: Không loại trừ trước đây không bị khống chế LS 14%/năm, có hiện tượng các NH chuyển cho cá nhân và các công ty con, mang tiền đi gửi hưởng lãi cao. Nay bị khống chế 14%/năm, cho nên rút về hết, thế là tiền gửi dân cư bị giảm, tiền gửi của tổ chức kinh tế cũng giảm. Số tiền này mang về cho vay liên NH hưởng lãi cao hơn…
Một thực tế là mặc dù LS tiền USD đã giảm khoảng 2%/năm so với cuối tháng 3/2011 do NHNN khống chế LS huy động USD tối đa 3% năm đối với cá nhân và 1%/năm với tổ chức, song trong khi tiền gửi VND giảm 1,84%, tiền gửi ngoại tệ vẫn tăng 1,46%, điều này cũng cho thấy VND đang mất giá, cho nên LS USD dù thấp người dân vẫn gửi để giữ tiền. Điều này cũng không loại trừ tiền VND đã chuyển sang USD trong hệ thống tiền gửi của NH, đi ngược với mong muốn của NHNN khi khống chế LS tiền gửi USD.
Thêm nữa, cho dù thông tin về việc cấm kinh doanh vàng miếng rậm rịch từ nhiều tháng nay, bất chấp giá vàng thế giới đang lên cao song trong bối cảnh lạm phát cao, vàng vẫn có sức hút dòng tiền từ hệ thống NH…
“Trong trường hợp này, thị trường luôn đúng, nếu có sai thì là ở chính sách… Các NH đã buộc phải làm cái việc mà họ hoàn toàn không mong muốn”- Luật sư Trương Thanh Đức quả quyết. 
Với mức trần LS tiền gửi hiện nay được ấn định ở mức 14%/năm, quy đổi chỉ tương đương với trần LS 1,16%/tháng. Kể từ tháng 11 năm ngoái, lạm phát lần lượt là 1,86%, 1,98%, 1,74%, 2,09%, và 2,17%. Tính ra  LS thực lần lượt là -0,70%, -0,81%, -0,57%, -0,93%, -1,01%.
“Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách ghìm cương lạm phát là phải đảm bảo LS thực dương, đồng thời không gây sốc thanh khoản cho hệ thống tài chính. Nhưng thực tế, LS thực đã âm trong 5 tháng liên tiếp. Chừng nào mức LS còn âm thì nó sẽ không khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm và việc các NH phá trần LS cũng là điều dễ hiểu!”- Luật sư Đức bình luận.
Theo chuyên gia kinh tế vĩ mô, TS. Phạm Thế Anh, trong vòng 2 tháng qua, NHNN đã 3 lần điều chỉnh các LS chủ chốt như LS thị trường mở (OMO) và LS tái cấp vốn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần LS huy động không hề được điều chỉnh. “Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NH đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần LS này…”- TS. Anh bình luận.
Về lý thuyết có thể dự đoán được xu hướng LS, song nói như TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia thì Việt Nam chẳng đi theo quy luật nào.

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét