Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Án lệ, vận dụng phải hợp lý

Án lệ là nguyên tắc tố tụng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuyên theo pháp luật, chứ không phải căn cứ vào án lệ. Tuy vậy, theo các chuyên gia pháp luật, chúng ta cũng cần vận dụng án lệ một cách hợp lý để nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo công bằng.
Án lệ - chuẩn mực đảm bảo công bằng
Án lệ là một nguyên tắc tố tụng quy định những bản án sắp được tuyên không được trái với những bản án đã tuyên và có hiệu lực trước đó nếu như tình tiết của các vụ án giống hoặc tương tự nhau nhằm tạo ra khuôn mẫu các bản án chính xác để các cơ quan và người tiến hành tố tụng áp dụng trong thực tiễn.
Nguyên tắc án lệ có ưu điểm là tạo ra khuôn mẫu các bản án chính xác để các cơ quan và người tiến hành tố tụng áp dụng trong thực tiễn. Bản án có hiệu lực pháp luật là bắt buộc đối với những tranh chấp về sau nếu có tính chất và hậu quả như nhau.
Cơ quan tiến hành tố tụng và mọi người liên quan trong vụ án chỉ cần xem xét đối chiếu với bản án trước để dự đoán được hậu quả pháp lý đối với các tranh chấp trong tương lai của mình ra sao. Như vậy, án lệ chẳng những tạo ra cơ chế bảo đảm bình đẳng trong việc xét xử các tranh chấp án mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng.
Đồng thời, thủ tục án lệ không những góp phần tiết kiệm được thời gian, kinh phí của những người tiến hành tố tụng mà còn giúp cho mọi các nhân, tổ chức, đơn vị có thể tiếp cận được cách giải quyết các tranh chấp, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Từ đó, giúp cho các cơ quan, tổ chức tránh được các rủi ro khi có tranh chấp thương mại với các nước.
Cần vận dụng hợp lý, linh hoạt
Theo Luật gia, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu - Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC thì nguyên tắc án lệ có nhiều ưu điểm và có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết các tranh chấp, kiện tụng quốc tế nhưng việc áp dụng lại tùy thuộc vào truyền thống pháp luật và quy định của Hiến pháp của từng nước.
Ở nước ta, Điều 130 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghĩa là, ở Việt Nam khi xét xử Tòa án chỉ căn cứ vào pháp luật để phán quyết, chứ không phải căn cứ vào án lệ.
Từ những bất cập trong thực tiễn xét xử, cũng như những ưu điểm của án lệ kể trên, theo TS Dương Thanh Biểu, cần phải đặt ra vấn đề cần vận dụng án lệ một cách hợp lý để áp dụng, so sánh, xem xét giải quyết các tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật trong tình hình mới, trong điều kiện mới.
Án lệ rất cần thiết trong công tác tư pháp nhằm làm hạn chế các trường hợp oan sai, đảm bảo tính minh bạch khách quan. Bởi vậy, TANDTC cần công bố công khai các bản án đã có hiệu lực để mọi người dễ tiếp cận, tham khảo để giúp mọi người làm tốt các biện pháp phòng ngừa đối với bản thân.
Các bản án này cần được xuất bản và lưu hành trong các thư viện hay cung cấp như những tài liệu chuyên ngành cho mọi người được đọc và nghiên cứu (trừ những bản án xử kín theo luật định) trước hết là cho những thành phần tham gia tố tụng, luật sư và những người nghiên cứu, giảng dạy hay sinh viên luật để rút kinh nghiệm. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư phải được tranh tụng bằng cách phân tích, dẫn chiếu những bản án đã có hiệu lực.
Theo quan điểm của LS Nguyễn Hằng Nga (ĐLS Hà Nội) thì trong bối cảnh hiện nay, án lệ rất cần thiết bởi vì khung hình phạt quy định trong Bộ luật hình sự rất rộng (từ 12 - 20 năm đến tử hình), sẽ rất dễ xảy ra trường hợp cùng hành vi, cùng tình tiết nhưng vụ này áp dụng mức án cao hơn, vụ kia áp dụng thấp hơn dẫn đến thiếu công bằng, đồng bộ.
Tương tự đối với án phi hình sự, cần thiết phải có “mặt bằng” gọi là án lệ để đảm bảo tính thống nhất trong giải quyết các tranh chấp, tránh trường hợp những vụ tranh chấp có tính chất tương tự nhưng các quyết định của Tòa án lại không đồng nhất, có sự “vênh” nhau về đường lối, quan điểm.  

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét