Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Chứng thực bản dịch, vừa ký vừa... run

Tại sao bản dịch do các Giáo sư, Tiến sỹ, những người có trình độ ngoại ngữ rất giỏi lại cứ phải đem đến Phòng Tư pháp, để những người không biết ngoại ngữ chứng nhận mới có giá trị pháp lý?. “Nghịch lý” này được chỉ ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 79/CP về chứng thực.
Vừa ký vừa run
Trước đây, khi chưa có Luật Công chứng và Nghị định 79/CP, công chứng, chứng thực cùng nằm trong một “ngôi nhà” thì việc chứng thực chữ ký người dịch do các Phòng Công chứng đảm nhiệm. Để làm tốt nhiệm vụ này, các Phòng công chứng thiết lập một danh sách cộng tác viên, khi có việc các cộng tác viên đó sẽ tiến hành dịch thuật và công chứng viên chỉ chứng thực chữ ký người dịch.
Từ khi Luật Công chứng ra đời, phần việc này được phân cấp cho Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, rất nhiều Phòng Tư pháp vừa ký vừa run, với lý do họ không biết ngoại ngữ nên không dám “chứng” bừa. Nhất là với những văn bản vừa tiếng Việt, vừa tiếng nước ngoài, không rõ thẩm quyền của cấp xã hay cấp huyện. Do đó, để “an toàn”, nhiều trường hợp đã bị từ chối.
Thừa nhận việc phân định rõ công chứng và chứng thực là cải cách, nhưng theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) thì quy định giao Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký trong bản dịch cũng thể hiện sự bất cập ở chỗ lãnh đạo Phòng Tư pháp không biết ngoại ngữ nhưng pháp luật quy định “cứng” cứ bắt họ phải chứng.
“Trước đây công chứng viên làm việc này có phải ai cũng biết ngoại ngữ đâu. Số người biết ngoại ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay nhưng họ vẫn chứng. Bởi lẽ bản chất của việc này chỉ là chứng thực đúng chữ lý cá nhân người dịch đó, chứ không phải chứng thực tính chính xác của văn bản dịch. Việc dịch đúng hay sai hoàn toàn do người dịch chịu trách nhiệm. Phòng Tư pháp chỉ có chức năng kiểm tra điều kiện của người dịch thuật mà thôi”, ông Thất nói rõ.
Tuy nhiên, có một hiện tượng được ông Thất thừa nhận là một số Cty dịch thuật, hoặc các Trung tâm ngoại ngữ của Trường Đại học chuyên ngành lớn, nơi có những Giáo sư, tiến sỹ hàng đầu về ngoại ngữ, họ dịch theo yêu cầu của công dân, bản dịch có chất lượng nhưng lại vẫn phải đem tới Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký (trong khi lãnh đạo Phòng Tư pháp lại không biết ngoại ngữ) thì mới có giá trị pháp lý. “Đây có phải là chuyện ngược đời không?”, ông Thất đặt câu hỏi.
Xác nhận + con dấu: không cần chứng thực?
Theo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 79/CP do Bộ Tư pháp chủ trì, vẫn tiếp tục quy định Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch, nhưng bổ sung quy định không thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong trường hợp văn bản dịch do người dịch là người của tổ chức dịch thuật thực hiện, người dịch ký, ghi rõ họ tên, có xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp và đóng dấu của tổ chức dịch thuật.
“Bản dịch do thành viên của tổ chức có tư cách pháp nhân dịch thuật thực hiện, có chữ ký của người dịch, xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp và đóng dấu của tổ chức đó thì không  cần chứng thực chữ ký người dịch”.
(Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/CP)
Quy định này, theo tổ biên tập một mặt giảm tải lượng việc chứng thực chữ lý người dịch của Phòng Tư pháp cấp huyện, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà vẫn đảm bảo chất lượng của bản dịch bởi bản dịch đó do cá nhân người dịch của tổ chức dịch thuật chịu trách nhiệm về tính chính xác.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đinh Văn Lộc không tán đồng với giải pháp nêu trên vì cho rằng công nhận như vậy không đúng về pháp lý. “Tại sao bệnh án của bệnh viện, kể cả những bệnh viện uy tín hàng đầu lại không được đưa ra làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự mà cứ phải do cơ quan tố tụng trưng cầu, giám định viên giám định?”, ông Lộc đề nghị cần cân nhắc thận trọng khi đưa vào quy định này.
Liên quan đến bản dịch, nhiều ý kiến còn cho rằng, không phải cứ người có bằng cấp, thậm chí bằng cấp cao về ngoại ngữ là có thể tin dùng bản dịch của họ, bởi lẽ ngoại ngữ nếu không dùng trong một vài năm là có thể rơi rụng dẫn đến dịch thuật không chính xác. Trong khi các giao dịch dân sự ngày càng chứa đựng nhiều rủi ro thì việc công nhận ngay các bản dịch này cần phải được cân nhắc.
Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét