Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ MÂU THUẪN, XUNG ĐỘT LỢI ÍCH GIỮA NHÓM TRỤC LỢI VÀ NHÓM THIỆT HẠI HIỆN NAY

Từ nghiên cứu mâu thuẫn xung  đột lợi ích  ở TP.HCM, chúng tôi cho rằng về thực chất và nổi bật là mâu thuẫn xung  đột giữa các nhóm trục lợi và nhóm thiệt hại lợi ích. Đây coi như một sự khái quát mới về một cặp mâu thuẫn, xung đột lợi ích hiện nay  ở nước ta và trong đó có TP.HCM.
Sau đây là một số nội dung, chúng tôi muốn trao đổi với bạn đọc.
1. Kinh tế thị trường với sự hình thành nhóm trục lợi và nhóm thiệt hại   
- Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế có  đặc điểm chủ yếu như sau:
Đó là nền kinh tế có nhiều chế  độ sở hữu và thành phần kinh tế với nhiều chủ thể lợi ích có xu hướng phân hóa đa dạng khác nhau, có khi đối lập nhau như lợi ich cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích giai tầng xã hội…, từ đó nảy sinh mâu thuẫn lợi ích.
Nền kinh tế thị trường có bản chất và động lực cơ bản là chạy theo mục đích lợi nhuận, thậm chí có lúc gần như là mục đích duy nhất. 
Nền kinh tế bên cạnh mặt tích cực như: năng động,  đòi hỏi sự minh bạch, tạo cơ hội cho mọi người làm việc và phát triển… nhưng  đồng thời nó cũng có mặt khuyết tật, tiêu cực tạo nên khủng hoảng kinh tế chu kỳ, phân hóa tạo nên những người rất giàu và những người rất nghèo, gây nên xung đột lợi ích.
Nền kinh tế thị trường hiện đại có đặc điểm là gắn với xu hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, gắn với công bằng xã hội, phúc lợi xã hội, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…. Xu hướng này là tiền  đề của nền kinh tế thị trường XHCN.
Cùng với quá trình  đó là quá trình  đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã nảy sinh nhiều vấn đề về lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhất là trên lĩnh vực nhà đất, các quan hệ lao động trong các doanh nghiệp và môi trường sống.
Nước ta từ khi chuyển sang thời kỳ  đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhưng nền kinh tế này còn sơ khai, trình độ thấp, mặc dù có yếu tố  để tiến tới nền kinh tế thị trường hiện  đại, hướng tới kinh tế thị trường hiện đại. Trong thời kỳ mới này những mâu thuẫn, xung đột lợi ích đã và đang diễn ra rất đa dạng và có phần phức tạp.
- Đời sống xã hội.
Đời sống xã hội là toàn bộ không gian xã hội gắn với hoạt động của con người, cộng đồng người với những nhu cầu, lợi ích nhất định. Có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đời sống xã hội trong công trình này chủ yếu lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, nhưng là xét trong quan hệ với các lĩnh vực khác, hoặc bao gồm một phần lĩnh vực khác.
Đời sống xã hội của một quốc gia là tổng thể các mặt kinh tế xã hội tạo nên trong  đó về mặt tổ chức, cộng đồng thì bao gồm nhiều nhóm xã hội, cư dân, các  giai tầng. Các nhóm xã hội, nhóm lợi ích và các giai tầng được phân chia dựa trên một số tiêu chí chung: hoặc chủ yếu về tư liệu sản xuất, hoặc phân công lao  động xã hội hoặc về quyền lực (uy tín). Trong quá trình đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống đã nảy sinh những lợi ích khác biệt, mâu thuẫn từ  đó mà ra. Đời sống xã hội luôn luôn vận  động, phát triển làm nảy sinh những mâu thuẫn và thông qua những mâu thuẫn khá phức tạp, nhất là về mặt lợi ích hay quyền lợi.
- Sự hình thành nhóm trục lợi và nhóm thiệt hại.
Từ khi chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa (1986) cho đến nay, có thể bước  đầu phân quá trình này thành 3 phân kỳ với những đặc điểm khác nhau:
Phân kỳ 1 (1986-1994): giai đoạn chuẩn bị các nhân tố kinh tế, kỹ thuật, xã hội cho việc định lại các phạm vi tác động của hệ thống kế hoạch hóa và quản lý tập trung trong điều kiện thị trường mở, hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tạo những tiền đề mới về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường vĩ mô cho việc phát triển kinh tế hàng hoá – dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường, hình thành và phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Giai  đoạn chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng và  đầy kịch tính với những biểu hiện của khủng hoảng (lạm phát 3 con số, biến động giá cả – tiền tệ, sản xuất – kinh doanh trì trệ tại nhiều cơ sở quốc doanh cả trung ương lẫn địa phương…), đồng thời bắt đầu xuất hiện một số nhân tố mới từ đầu thập niên 90 (xuất khẩu gạo, dầu thô; đầu tư nước ngoài và sự có mặt của nhiều văn phòng đại diện công ty nước ngoài và tổ chức quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội). Các nhóm trục lợi  đầu tiên xuất hiện, gây hậu quả lớn  là những nhóm núp bóng tín dụng (Thanh Hương, Anh Đào…), các nhóm buôn bán qua biên giới chủ yếu qua con đường phi hạn ngạch, kinh tế ngầm….
Phân kỳ 2 (1995-2006): giai  đoạn tăng trưởng và phát triển, đặc biệt tập trung vào các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam (TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu -  Đồng Nai – Bình Dương), và từ 2002, lan rộng ra các tỉnh phía bắc sông Hồng của Vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc), cũng như một số tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ (Đà nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi).… Với sự phát  triển nhanh chóng và quy mô ngày càng lớn đầu tư trong nước và nước ngoài, thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu, thị trường lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội…, cùng với những cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy hình thành nhanh chóng và phát triển đồng bộ các nhân tố thị trường theo xu thế toàn cầu hóa và các mục tiêu, định hướng chiến lược quốc gia phát triển nhanh, bền vững…  hàng loạt nhóm trục lợi thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều  địa phương, nhiều cấp độ hình thành, âm thầm, kiên trì nhưng nhanh chóng lợi dụng mọi cơ hội, mọi phương thức (hợp pháp, phi pháp, công khai, ngấm ngầm, hình thức, phi hình thức, trong nước, ngoài nước…) để trục lợi ở mọi quy mô, mọi lĩnh vực (tới cả văn hóa, tâm linh…) có thể.  Vì thế, rất cần có nhiều công trình nghiên cứu để nhận dạng đúng đắn, đầy đủ, cũng như những đặc điểm nguồn gốc, mâu thuẫn của các nhóm này  như một loại hiện tượng mới theo những quy luật mới của các nền kinh tế chuyển đổi trong điều kiện bước đầu hình thành nền kinh tế mới toàn cầu hóa. 
Phân kỳ 3 (từ 2007): Làn sóng đầu tư mới sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), những cơ hội và quy mô, tốc  độ lan rộng các nhân tố thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, các tuyến giao thông xuyên Á hình thành và hoạt động, có thể dự báo về sự bột phát của nhiều nhóm trục lợi mới (tương tự như sự bột phát của thị trường chứng khoán, thị trường địa ốc 2007).
Trong quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam diễn ra trong khung cảnh đặc biệt của nền kinh tế thế giới giai  đoạn vừa qua – giai  đoạn tái cấu trúc và chuyển hướng về chất, mang tính lịch sử quy mô thiên niên kỷ.
Trước hết,  đó là những chuyển biến  đột phá được dự báo trước (từ những năm 70 của thế kỷ XX) về sự chấm dứt không thể trì hoãn của các mô hình công nghiệp hóa trên nền khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái, thay đổi khí hậu toàn cầu; đó là những tiền đề khoa học và kỹ thuật cho phép loài người từng bước và nhanh chóng chuyển sang một kỷ nguyên mới – kinh tế tri thức và xã hội thông tin – chỉ trong vòng 50 – 60 năm (chứ không phải hàng trăm năm  đối với các cuộc cách mạng công nghiệp, hàng ngàn năm đối với xã hội nông nghiệp – nền kinh tế dựa vào sức người là chính, đồng thời cũng không phải là  đã chuyển hẳn sang kỷ nguyên mới này, mà hiện mới chập chững những bước đầu tiên).
Nhiều mô hình kinh tế đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ trong thế kỷ XX (trước 1973) gặp hàng loạt những khó khăn, từng bước đổ vỡ (như mô hình kế hoạch hóa tập trung) hoặc ở ngưỡng của sự đổ vỡ (như mô hình kinh tế Mỹ); mô hình kinh tế Nhật Bản đã thành công trong gần 40 năm sau  đại chiến thế giới lần thứ hai (thành công tới mức: vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, nhiều học giả nổi tiếng, trong đó có cả các học giả Mỹ,  đều từng xác  định nhiều luận cứ về khả năng “nước Nhật mua cả thế giới” vào đầu thế kỷ 21- điều chưa xảy ra và thậm chí còn khó có thể xảy ra). Những gì diễn ra trong 14 –15 năm gần đây là những mâu thuẫn gay gắt mới trong nền kinh tế Nhật Bản trước những thực tiễn mới của hệ thống kinh tế toàn cầu; sự xuất hiện và phát triển đầy kỳ tích của mô hình “đàn sếu bay” của nhiều quốc gia khu vực  Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Công,  Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Inđônêsia, Philippin), trong trên 20 năm (kể từ 1967) tạo nên một loạt các nước “công nghiệp hóa mới – NIC” bỗng chao đảo trong cuộc khủng hoảng trước thềm thiên niên kỷ (khởi đầu từ khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á với quy mô và tốc độ lây lan lạ kỳ, chưa từng có – 1996-1999); sự xuất hiện và phát triển của mô hình kinh tế chuyển  đổi thành công một cách đáng khích lệ của Trung Quốc trong 15 năm gần đây (với 3 lần tăng trưởng và tụt dốc của hơn 12 năm trước đó)…
Thực tiễn mới quan trọng cần đặc biệt quan tâm tại Việt Nam là: Hội nhập đầu tiên, trước hết là nông nghiệp (đối với các sản phẩm hàng hóa quy mô lớn đã hình thành: lúa, thủy sản, cà phê, điều, tiêu) sau đó mới là công nghiệp (dầu khí, may, giầy, điện tử, chế biến gỗ…) và dịch vụ. Các nhóm trục lợi luôn bám sát thực tiễn mang tính hệ thống này. Các kịch bản liên kết  động lực thị trường, liên ngành, liên vùng theo sản phẩm – dịch vụ có lợi thế so sánh quy mô chiến lược… cần  được nghiên cứu, phân tích theo sơ đồ cho các hệ thống động và mở. 
-  Nguồn gốc các nhóm trục lợi tại Việt Nam, TP.HCM và những mâu thuẫn mang tính cộng sinh, ký sinh.
Bước  đầu phân tích, nghiên cứu vô số các dữ liệu của công luận và thông tin đại chúng theo sơ đồ hệ thống, có thể thấy rằng các nhóm trục lợi tại Việt nam, TP.HCM có các nguồn gốc khá đa dạng:
Có nguồn gốc thị trường
- Thị trường bất động sản: lợi dụng những kẽ hở pháp lý và chênh lệch rất lớn giữa giá trị  đất  đai trong các bước của quá trình chuyển đổi, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần, có sự tham gia khôn khéo – thậm chí trắng trợn – của
những phần tử có chức có quyền tha hóa, biến chất.
- Thị trường lao động: lợi dụng nhận thức bảo thủ, lỗi thời về lao động,   quản lý lỏng lẻo các công ty, trung tâm xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm.
- Thị trường hàng nông nghiệp, hải sản,…: lợi dụng các biến động thị trường cung vật tư thiết bị và cầu sản phẩm nông nghiệp,  đặc  điểm tiêu thụ… nhằm trục lợi, dẫn tới nghịch lý “được mùa thua được giá”.
- Thị trường giáo dục, đào tạo soạn và in sách giáo khoa, dạy thêm, học thêm: lợi dụng định hướng cải cách giáo dc sai lầm và kéo dài (theo hướng nhồi nhét kiến thức quá khả năng tâm sinh lý, lấn át các mục tiêu quan trọng khác của giáo dục), lạm dụng sự quan tâm lớn của xã hội và phụ huynh trong đầu tư cho thế hệ tương lai, lạm dụng truyền thống hiếu học… cũng như những ấu trĩ trong định hướng thị trường cung cầu nguồn nhân lực, xã hội hóa….
Có nguồn gốc cơ hội:
-  Lợi dụng sự yếu kém trong quản lý: quy hoạch treo, quy hoạch chưa đạt yêu cầu, kể cả “các mảng còn trắng” trong quy hoạch; hàng giả, hàng nhái, vi phạm quy  định tràn lan; cố tình im lặng, chậm giải quyết các khiếu kiện và phát hiện của công luận, dư luận…
- Lợi dụng sự  ấu trĩ và bảo thủ trong tư duy chiến lược (núp bóng bảo hộ ngành mũi nhọn, trọng điểm,…): lợi dụng chủ trương đầu tư của Nhà nước nhập khẩu trang thiết bị lạc hậu, rẻ tiền (nhà máy đường, xi măng lò  đứng…), linh kiện, vật tư dưới các danh nghĩa nội  địa hóa, bảo hộ sản xuất trong nước để ăn chênh lệch  giá (xe máy từ Trung Quốc, clinhke, phôi thép, rác thải…).
- Lợi dụng sự thoái hóa, biến chất cùa các người có chức, có quyền (lan tới cả các lĩnh vực tòa án, thanh tra, kiểm tra, thuế vụ, hải quan, công an, kiểm lâm…).
Có nguồn gốc khác :
- Kinh tế ngầm xuyên quốc gia: buôn lậu qua biên giới (xăng dầu, vải vóc, thuốc lá, rượu, hàng điện tử, than đá…), trốn thuế.
- Xã hội đen: buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em; bảo kê; mại dâm trá hình; cờ bạc, số  đề, hụi; bán hàng đa cấp, đầu tư đa cấp, ăn cắp cước viễn thông (sử dụng các phương tiện hiện đại)…
Đặc  điểm mâu thuẫn lợi ích bao trùm của các nhóm trục lợi với những nguồn gốc nêu trên chính là khả năng cộng sinh và ký sinh rất cao: bám chặt vào những thời cơ và kẽ hở, điều kiện thuận lợi, linh hoạt liên kết (hoặc biến dạng), chuyển hướng theo những thời cơ, điều kiện mới nhằm tồn tại và trục lợi, làm hao mòn lòng tin vào chế độ, xâm hại lợi ích chung của cộng đồng. 
2. Mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm trục lợi và nhóm thiệt hại lợi ích – cái nhìn về bản chất chiều sâu các loại nhóm lợi ích trong đời sống xã hội hiện nay. 
Đó là mâu thuẫn, xung đột chính trong đời sống xã hội ta.
Mâu thuẫn trong đời sống xã hội thường có loại mâu thuẫn còn tiềm  ẩn, các chủ thể tạo nên mâu thuẫn còn mờ nhạt, chưa hình thành nhóm rõ nét. Nhưng cũng có loại mâu thuẫn xã hội hình thành và biểu lộ, hiện hữu giữa các nhóm người. Có thể có nhiều các gọi như nhóm xã hội, nhóm lợi ích hay gọi thẳng tên nhóm người cụ thể hơn (nhóm người sử dụng lao  động hay người lao  động, nhóm các nhà đầu tư, nhóm người hưởng lợi, người tiêu dùng). Cách gọi và phân loại này mang tính chất trung tính. Nhưng từ tính chất,  động cơ của các loại nhóm  ấy trong quá trình tương tác cũng có thể phát sinh loại nhóm, theo cách phân loại khác. Cho nên có một cách khái quát khác làm rõ bản chất của loại nhóm này xét ở góc nhìn bản chất lợi ích. Đó là “nhóm trục lợi” (có lúc, chúng tôi gọi là nhóm đầu cơ) và “nhóm thiệt lợi”.
Với cách tiếp cận“nhóm trục lợi”, chúng ta cần làm rõ thêm, vì  đó là một cách nhìn hợp lý  đáng phân tích toàn diện hơn. Chúng ta có thể bàn tiếp về những nhóm có mâu thuẫn liên quan với nhóm trục lợi. Khi đặt ra khái niệm nhóm trục lợi là nhìn nhóm lợi ích trong các loại hình nhóm xã hội – kinh tế theo bản chất xã hội của nó: lợi ích thực tế vì ai, cho ai và bằng cách thức nào.  Nhóm trục lợi là nhóm lợi ích chỉ biết vì bản thân và dùng thủ đoạn bất minh để thu lợi bằng cách làm hại đến lợi ích nhóm khác. Nhưng theo chúng tôi thì không nên đồng nhất nhóm trục lợi với các nhóm lợi ích tư nói chung, như có người quan niệm. Nhưng đồng thời phủ nhận sự tồn tại độc lập của nhóm trục lợi, theo nghĩa trục lợi là bản chất chung của con người là không đúng. Trục lợi chỉ là bản chất của một số người hay nhóm người. Trục lợi khác tư lợi, tư lợi tức quan tâm đến lợi ích tư của mình.
Nhóm trục lợi có thể xuất hiện nhiều  ở các nhóm lợi ích tư và cũng có thể xuất hiện từ các nhóm lợi ích công (bị lợi dụng và biến dạng)1. Các dự án, đề án như dự án – đề án công nghệ thông tin (đề án 112) mấy năm trước là lĩnh vực công nhưng từ đó cũng sinh ra nhóm trục lợi. Nhóm thiệt lợi là nhân dân và nhà nước, nhưng hiện hình thành các nhóm người cụ thể.
Như vậy, xem xét theo tuyến nhóm trục lợi trong quan hệ với nhóm thiệt hại lợi ích, một sự phát hiện và khái quát mới của nhóm  đề tài, phải  được xét trong tương quan tương sinh tương khắc với loại nhóm lợi ích – như mặt đối lập mâu thuẫn của chính
- nhóm thiệt hại lợi ích.  Nhóm thiệt lợi ở đây không chỉ là hiểu theo nghĩa rộng là nhân dân và đất nước mà thực tế đã nảy sinh ra nhóm người cụ thể mà chúng tôi tạm gọi là “nhóm thiệt lợi” (bị thiệt hại về lợi ích).  Còn trong quan hệ với các nhóm trục lợi, là có “nhóm chính lợi” (nhóm theo  đuổi những lợi ích chân chính, hợp pháp). Nhưng từ nhóm chính lợi trong thực tế cũng có thể bị phân hóa  thành một tuyến nhóm trục lợi và nhóm thiệt lợi và đó là một mâu thuẫn nằm  ở chiều sâu các nhóm lợi ích, các nhóm xã hội mâu thuẫn, xung  đột về lợi ích trong thực trạng phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy rằng, các nhóm chính lợi  (lợi ích chân chính, hợp pháp) vẫn tồn tại trong tương qnan với nhóm trục lợi. Và khi các nhóm trục lợi hay nhóm thiệt lợi được cải biến, thay đổi theo hướng hợp với luật pháp và mục tiêu chung của đất nước thì cũng có thể trở lại, trở thành nhóm chính lợi. Nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn về quan hệ giữa nhóm trục lợi và nhóm thiệt lợi.
Có người cho rằng không có nhóm trục lợi riêng. Thực ra cả nhóm trục lợi và nhóm thiết lợi là tồn tại trong thực tế, có thể đan xen vài các nhóm lợi ích, đến lúc nào đó áp đảo và hình thành nhóm riêng. Chẳng hạn, vụ tiêu cực đất đai ở Gò Vấp hay Hóc Môn, Cần Giờ, quận 2 (TP.HCM) và nhiều nơi khác mà trong đó có cấu kết giữa công chức nhà nước và những người làm ăn trục lợi bên ngoài hết sức phức tạp. Trong lĩnh vực nhà đất, đó chính là nhóm những cò đất cấu kết với cán bộ công chức tha hóa và làm thiệt hại lợi ích của cộng đồng dân cư (diện giải tỏa, đền bù hay mua bán đất bất hợp pháp) và làm thiệt hại cả lợi ích của nhà nước. Báo Người Lao  động ngày 2-4-2008, đã thông tin về tình trạng cán bộ tiếp tay cho “cò” lộng hành trong việc cấp chủ quyền nhà đất tại quận Gò Vấp – TP.HCM. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện một số doanh nghiệp “chung sức” với cán bộ để biến không thành có, trắng thành đen…, điển hình là sai phạm tại phường 11, quận Gò Vấp2.
Mà không chỉ lĩnh vực nhà  đất, các lĩnh vực khác như trong giáo dục, y tế cũng vậy. Trong lĩnh vực y tế thì đó là nhà sản xuất, kinh doanh thuốc và nhà quản lý, thực hành chức năng nghiệp vụ và người dân gồm người tiêu dùng sử dụng thuốc và các dịch vụ y tế khi khám và chữa bệnh. Những vụ việc về giá thuốc và dịch vụ mua bán thuốc cũng như hoạt  động khám chữa bệnh cũng  đã có móc ngoặc với nhau làm thiệt hại lợi ích bệnh nhân. Hoặc trên lĩnh vực vệ sinh thực phẩm, chúng ta cũng thấy tình tình tương tự đã có sự cấu kết nào đó giữa người quản lý và nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm làm ảnh hưởng xấu  đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng. Trong lĩnh vực giáo dục thì các nhà sản xuất sách giáo khoa, hay thực hành chức năng giáo dục trong chừng mực đã hình hành nên nhóm vụ lợi hay trục lợi làm thiệt hại lợi ích của học sinh, sinh viên- nhóm thiệt lợi. Trong lĩnh vực doanh nghiệp, ngoài nhóm trục lợi trong việc cổ phần hóa thì khi  các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, chủ doanh nghiệp trốn thuế, không đóng bảo hiểm cho người lao động và bớt xén tiền công, và các chế độ khác của người lao động thì đó cũng là một loại trục lợi. Và những người thiệt lợi là những người lao  động – những người công nhân.
Chúng tôi cho rằng, các lĩnh vực này  đã hình thành mâu thuẫn, xung đột  nhóm lợi ích từ ba loại chủ thể, ba loại nhóm chính, như: 1) nhà  đầu tư, nhà thầu, hay nhà sản xuất kinh doanh hay hành nghề nói chung; 2) thứ  đến là nhà nước thông qua chính sách và cán bộ công chức thi hành công vụ; 3) nhóm dân cư hay nhóm những người lao  động, những người tiêu dùng, nói chung là người dân liên quan tới các dự án và thực thi chính sách phát triển. Nhưng trong quá trình tương tác và hoạt  động  đã sinh ra nhóm trục lợi là “nhóm phi pháp lợi” và nhóm thiệt lợi.  Đã hình thành nhóm lợi ích trục lợi mà ta gọi tắt là nhóm trục lợi gồm cò đất và một số cán bộ công chức tha hóa cấu kết với nhau và làm thiệt hại cho những người có đất và thiệt hại cho Nhà nước. Nhóm thiệt lợi từ đó mà ra. Và như vậy là xuất hiện mâu thuẫn xung  đột lợi ích chính giữa 2 lại nhóm này.
Tất nhiên, nhóm thiệt hại được sinh ra có 4 tác nhân chính: 1) Hoặc do chính sách phát triển của nhà nước còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ chẳng hạn chính sách  đền bù giải tỏa không thỏa  đáng, không theo giá thị trường) nên hình thành nên những người ít hưởng lợi được từ tăng trưởng kinh tế, trái lại bị thiệt hại từ tăng trưởng ấy (khoảng cách giàu nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường, bệnh tật) hoặc từ thiên tai bất thường; 2) Những tác động do cơ chế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, có thể gây thắng lợi của nhóm này và thiệt hại  ở nhóm khác như phá sản trong kinh doanh; 3) Cũng còn tác nhân là do yếu thế hơn từ hoàn cảnh khách/ chủ quan nào gây nên (hậu quả chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, trình độ tay nghề…); 4)  Nhưng trực tiếp là do các nhóm trục lợi gây nên như là hệ quả của nó như nói ở trên…
Cần nghiên cứu biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn, xung  đột lợi ích giữa nhóm trục lợi và nhóm thiệt hại. 
Nhóm trục lợi thường sử dụng nhiều thủ  đoạn thu lợi bất chính như: 1) Lợi  dụng và lạm dụng quyền lực cả quyền lực kinh tế và quyền lực hành chính, kể cả mua quan bán chức; 2) Lợi dụng sự chênh lệch giá cả thị trường và giá cả nhà nước quy định trong nền kinh tế chuyển  đổi và  đầu cơ, bất chấp thiệt hại cho cộng đồng; 3) Lợi dụng sự bất cập và yếu kém trong quản lý của Nhà nước và sự tha hóa một bộ phận công chức; 4) Thường liên kết những phân tử có động cơ vụ lợi, trục lợi có khi theo kiểu mafia, hoạt động ngầm, dưới hình thức tổ chức phi chính thức theo từng phi vụ làm ăn. 
Khi họ muốn thì có thể có trăm phương ngàn kế để phù phép biến trắng thành đen, biến công thành tư, biến luật pháp thành luật rừng, nghĩa là ai hại mặc ai miễn ta có lợi. Kết cục là nhiều nhóm trục lợi làm giàu bất chính và càng giàu như thế càng thao túng quyền lực của chính quyền; còn hệ quả là càng nhiều các nhóm thiệt lợi, thất thế và nghèo đi. Bất công xã hội và bất bình  đẳng xã hội cũng như phân hóa giàu nghèo, phân hóa giai tầng từ đó mà ra và gia tăng. Nhưng họ- những nhóm thiệt lợi này – phản ứng lại và đấu tranh với nhóm trục lợi và những bất cập, sai lầm trong chính sách của Nhà nước bằng cách nào?   1) Khiếu kiện và khiếu kiện mang tính chất biểu tình kéo dài (lĩnh vực nhà  đất). Họ khiếu kiện  đối với Nhà nước để giúp họ đòi lại công bằng.    2) Đình công, bãi công (trong doanh nghiệp), tức đòi doanh nghiệp, chủ  đầu tư sản xuất phải trả lại công bằng cho họ, trả lại lợi ích hợp pháp mà họ được hưởng bị gian lận và tước đoạt phi pháp. 3) Hoặc họ phản ánh và phản ứng về sự thiệt hại lợi ích của mình – người hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục thông qua phương tiện thông tin đại chúng tạo dư luận xã hội (lĩnh vực y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác). 4) Bất lực, bất mãn, âm thầm chịu đựng, mất dần niềm tin và hoặc  phản ứng tự phát… (nhiều lĩnh vực). Đó cũng là biểu hiện của xung đột (tranh chấp) lợi ích. Rõ ràng, đã đến lúc phải đặt trên bàn nghị sự để tìm chính xác, nhận thức và giải pháp đấu tranh hạn chế và loại trừ dần, nhưng dứt khoát  đối với các nhóm đầu cơ, trục lợi, đảm bảo lợi ích chính đáng và công bằng cho các nhóm thiệt hại lợi ích (thiệt lợi)./.
Chú thích:
1  Bài Thời sự & suy nghĩ. Báo Tuổi trẻ, Thứ Bảy, 29/03/2008, 08:05 (GMT+7)
2  Vụ cấp chủ quyền nhà đất tại quận Gò Vấp – TP.HCM. Biến không thành có, trắng thành  đen. 03-04-2008
Nguồn: BẢN TIN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TP.HCM, QUÝ IV, NĂM 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét