Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam chưa chắc chắn

Kể từ khi Luật Sở hữu Trí tuệ mới 50/2005 có hiệu lực vào tháng 7 năm 2006, một cách tiếp cận mới đối với  khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng đã được thiết lập và một chế độ mới về bảo hộ nhãn hiệu này đã được thông qua ở Việt Nam. Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được tự động thiết lập thông qua việc người tiêu dùng sử dụng nhãn hiệu trong thương mại mà không cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền như các văn bản pháp luật trước đây quy định. Pháp luật cũng quy định rõ ràng rằng một nhãn sẽ bị loại khỏi việc đăng ký nếu nó giống hệ hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nổi tiếng và việc sử dụng nhãn nói trên gây phương hại tới khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn nói trên nhằm hưởng lợi thế từ danh tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, trong thực tiễn nhãn hiệu ở Việt Nam, các nhà hành nghề và chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn gặp phải rất nhiều vấn đề không rõ ràng mà được bài viết này đề cập dưới đây.

Nổi tiếng nhưng Chưa được biết tới ở Việt Nam – Bảo hộ hay Không

Việc quyết định loại hình bảo hộ hiện có cho một nhãn hiệu "nổi tiếng" sẽ có thể liên quan đến việc xử lý tranh chấp trong những năm tới đây. Nhằm trả lời cho câu hỏi liệu một nhãn  nước ngoài nổi tiếng có được bảo hộ ở Việt Nam hay không nếu nó chưa được sử dụng ở nước ta như một nhãn hiệu, cần hiểu về khái niệm “nổi tiếng” trong bối cảnh nhãn hiệu ở Việt Nam. Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, nhãn hiệu nổi tiếng là một "nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam". Việc phân biệt một nhãn hiệu không đơn giản. Liệu người tiêu dùng Việt Nam có quen với nhãn hiệu của các hàng hóa và dịch vụ được sử dụng bên ngoài Việt Nam. Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam liệt kê một số yếu tố để xác định liệu một nhãn có nổi tiếng hay không, nhưng không một yếu tố nào đòi hỏi một cách rõ ràng rằng nhãn hiệu nổi tiếng phải được sử dụng ở Việt Nam. Trở ngại duy nhất là liệu một nhãn nước ngoài nổi tiếng thậm chí không được sử dụng như một nhãn hiệu ở Việt Nam có thể đạt tới mức độ nổi tiếng để được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi hay không?

Trước hết, có thể đơn giản nói rằng “KHÔNG”. Tuy nhiên, tính đến sự bùng nổ của mạng Internet, sự tăng trưởng của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, sự dễ dàng thuận tiện trong thông tin liên lạc toàn cầu và đi nước ngoài, dễ có khả năng là các nhãn nước ngoài có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng đối với người tiêu dùng Việt Nam cho dù không được sử dụng thực tế ở trong nước. Cần lưu ý rằng theo các quy định của Điều 6bis của Công ước Paris, các nhãn hiệu nổi tiếng ở một nước là thành viên của Công ước Paris có thể được bảo hộ mặc dù không được sử dụng ở nước đó. Vì vậy, chỉ đơn giản căn cứ vào các nghĩa vụ của mình theo Công ước Paris, Việt Nam cần chấp nhận bảo hộ một nhãn đã nổi tiếng ở một nước thành viên khác của Công ước Paris mà không cần yêu cầu phải được sử dụng ở Việt Nam. Ít nhất các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng theo Công ước Paris sẽ được ưu tiên áp dụng so với Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam bởi vì Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam tuyên bố một cách rõ ràng rằng quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên có giá trị cao hơn các quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam.

Yếu tố gây nhầm lẫn – Tính đến hay Bỏ qua

Nhãn hiệu nổi tiếng có thể bị từ chối bảo hộ ở Việt Nam trên cơ sở không có yếu tố gây nhầm lẫn nếu nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn sao chép đã được đăng ký cho những loại hàng hóa hoặc dịch vụ khác nhau. Một lần nữa, cần xem xét những nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tuân thủ. Điều 16(3) của Hiệp định về các Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại quy định rằng việc bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng được áp dụng cho cả các hàng hóa và dịch vụ khác với hàng hóa và dịch vụ mà nhãn hiệu đã được đăng ký cho chúng, nếu việc sử dụng nhãn của hàng hóa hay dịch vụ đó chỉ ra mối liên hệ với chủ sở hữu của nhãn hiệu đã được đăng ký và nếu chủ sở hữu của nhãn hiệu được đăng ký bị thiệt hại bởi việc sử dụng nhãn trên các hang hóa hay dịch vụ đó.

Giả định là chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng của mình cho nhóm hàng hóa 9, dường như chủ sở hữu nhãn sao chép không thể sử dụng nhãn sao chép gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng một cách an toàn thậm chí cho hàng hóa thuộc nhóm 3 bởi vì người tiêu dùng Việt Nam sẽ có xu hướng tin rằng hàng hóa của chủ sở hữu nhãn sao chép có liên hệ với chủ sở hữu của nhãn hiệu nổi tiếng. Người tiêu dùng mà bình thường sẽ không mua các sản phẩm của chủ sở hữu nhãn sao chép mua hàng bởi vì họ tin rằng các sản phẩm của chủ sở hữu nhãn sao chép có quan hệ với các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng mà họ đã nhìn thấy trong một số chương trình quảng cáo, hoặc đọc trong các tạp chí, sách hướng dẫn du lịch, trên một số trang tin điện tử ưa thích, hoặc chương trình vô tuyến. Người tiêu dùng Việt Nam có thể yên tâm hưởng thụ sản phẩm của chủ sở hữu nhãn sao chép bởi vì nghĩ rằng họ đang giao dịch với một chi nhánh của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Một mục tiêu cơ bản của việc bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam là tránh để người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, Việt Nam có cần xử lý nhãn hiệu nổi tiếng khác với các nhãn khác trong phân tích yếu tố gây nhầm lẫn hay không? Ở một số nước nơi các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ chống lại việc làm loãng khả năng của nhãn trong nhận diện và phân biệt các hàng hóa và dịch vụ, không cần chứng minh yếu tố gây nhầm lẫn, hoặc cũng không cần chỉ ra sự cạnh tranh giữa các hàng hóa của nguyên đơn và bị đơn. Do đó, có thể bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chống lại các nhãn tương tự gây nhầm lẫn được sử dụng cho hàng hóa và dịch vụ không có quan hệ với hàng hóa và dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng. Liệu nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cần được xử lý đặc biệt tương tự?

Những ngoại lệ trong việc Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Việt Nam có cần bổ sung trong các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng hiện hành một số ngoại lệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Một lý do quan trọng nhằm giải thích tại sao các nhãn hiệu nổi tiếng cần được bảo hộ theo chế độ đặc biệt là: nhằm tránh việc làm giàu bất hợp pháp của những kẻ xài chùa. Một nhãn hiệu nổi tiếng đặc biệt nhạy cảm với việc sao chép bởi vì điều đó đem lại cho những kẻ xài chùa sự công nhận ngay lập tức với chi phí tối thiểu để đưa sản phẩm ra thị trường và tiếp thị. Kẻ xài chùa có thể lựa chọn sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng nào đó do sự nổi tiếng của nó ở Việt Nam và nhận được những lợi thế của sự nổi tiếng từ tài sản của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng một cách đơn giản. Những người sao chép nhãn hiệu nổi tiếng nhằm thu được nhiều lợi nhuận nhất với ít nỗ lực nhất phục vụ cho việc làm giàu của họ. Tuy nhiên, mặc dù việc trừng phạt những kẻ xài chùa do ý đồ xấu của họ dường như là công bằng và hợp lý, nhưng việc đem lại sự bảo hộ tương xứng cho các chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng lại có ý nghĩa quan trọng hơn. Tại sao Việt Nam không dành cho chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng một số ngoại lệ?

Lý do nữa tại sao chúng ta cần nhấn mạnh vào danh tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng nhằm ngăn ngừa việc làm loãng khả năng của các nhãn hiệu nổi tiếng trong nhận diện và phân biệt các hàng hóa và dịch vụ. Việc làm loãng khả năng của nhãn xuất hiện khi có sự gắn kèm gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng có thể gắn liền với các sản phẩm và dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu, qua đó giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm và dịch vụ này với các sản phẩm và dịch vụ tương tự. Do đó, việc gắn liền nhãn hiệu nổi tiếng đó với các sản phẩm khác của chủ sở hữu nhãn sao chép làm giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Việc làm loãng khả năng của nhãn hiệu nổi tiếng cũng có thể xuất hiện khi việc gắn kèm làm hại đến thanh danh của nhãn hiệu nổi tiếng. Người tiêu dùng Việt Nam có vẻ rất dễ nhầm lẫn tin rằng chủ sở hữu của nhãn sao chép được sở hữu hoặc được cấp phép bởi chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu nổi tiếng. Khi không thỏa mãn với các dịch vụ của chủ sở hữu nhãn sao chép, người tiêu dùng có thể kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi một cách nhầm lẫn cho chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu nổi tiếng và thanh danh của nhãn hiệu nổi tiếng có thể vì đó bị thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí nếu chất lượng dịch vụ vẫn ở mức thỏa mãn, thì việc sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng như vậy vẫn có thể làm hại đến thanh danh của nhãn hiệu nổi tiếng bởi vì chủ sở hữu của nhãn hiệu nổi tiếng không còn khả năng kiểm soát thanh danh của mình nữa.

Ở một số nước nơi các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ chống lại sự làm loãng nhãn hiệu, không cần chứng minh yếu tố gây nhầm lẫn, cũng không cần trình bày sự cạnh tranh giữa các hàng hóa của nguyên đơn và của bị đơn. Do đó, có thể sử dụng biện pháp phòng vệ chống làm loãng đối với những người sử dụng nhãn tương tự gây nhầm lẫn thậm chí cho các hàng hóa và dịch vụ không có mối quan hệ với các hàng hóa và dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu Việt Nam có quy định về ngoại lệ làm loãng, có thể ngăn chặn được việc bị đơn sử dụng nhãn hiệu của nguyên đơn nào cho mục đích thương mại, cho dù các hàng hóa của bị đơn không cạnh tranh với hàng hóa của nguyên đơn. Việt Nam cần phải đối mặt với những vấn đề này để xem xét xem có cần loại bỏ sự không rõ ràng trong việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hay không.

Một cách cho các chủ sở hữu nhãn nước ngoài nổi tiếng tránh phải dựa vào ngoại lệ nhãn hiệu nổi tiếng như hiện nay là sử dụng các nhãn của họ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù họ có làm như vậy, phạm vi bảo hộ có thể không được đủ rộng như họ trông đơi. Dường như việc bắt buộc mở rộng việc kinh doanh trên trường quốc tế chỉ nhằm để tránh sự ăn cắp nhãn hiệu là không mang tính thực tế, nhưng lựa chọn này có thể là giải pháp tạm thời phù hợp cho đến khi có những sửa đổi trong việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.

Ls Phan Khắc Nghiêm
0988 505 572 - 0913 579 801
Email: phannghiemlawyer@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét