Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Những điểm sáng trong Dự thảo lần thứ 5 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005

Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, gồm 222 điều và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2006, đã mở ra một chương mới trong việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Luật này cùng với các quy định hướng dẫn cũng đóng góp tích cực vào việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, sau hơn hai năm thi hành, một số hạn chế của Luật này cần được điều chỉnh nhằm nâng cao khả năng thực thi và đóng góp của nó vào sự phát triển của Việt Nam. Bài viết này giới thiệu một số nội  dung chính của dự thảo lần thứ 5 và là dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ (“Dự thảo”) mà sẽ được đưa ra thảo luận trước Quốc hội để thông qua trong năm 2009.

Theo Dự thảo, 36 điều của Luật Sở hữu Trí tuệ sẽ được sửa đổi và một điều, Điều 220a, sẽ được bổ sung. Sau đây là những dề xuất thay đổi đáng chú ý.

Kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng và các tác phẩm khuyết danh khác cũng như thời hạn bảo hộ các quyền liên quan (Điều 27.2.a và Điều 34) sẽ được kéo dài từ 50 năm như quy định hiện nay lên 75 năm. Việc kéo dài thời hạn có một số lý do. Trước hết, việc này nhằm đem lại sự đối xử công bằng giữa các cá nhân và pháp nhân Việt Nam với các cá nhân và pháp nhân Hoa Kỳ do các tác phẩm nói trên được bảo hộ 75 năm theo Luật về Quyền tác giả của Hoa Kỳ. Ngoài ra, với tư cách là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam cần áp dụng nguyên tắc “đối xử quốc gia”. Trên thực tế, do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt mức 73 tuổi, việc kéo dài thời hạn bảo hộ một số tác phẩm là hợp lý nhằm tạo ra sự cân bằng giữa những tác phẩm được bảo hộ suốt cuộc đời của tác giả và  50 năm sau khi tác giả mất.

Đơn sáng chế

Thời hạn cụ thể cho việc xét nghiệm các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 119 sẽ bị xóa bỏ và được quy định trong một văn bản pháp luật riêng rẽ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Việc sửa đổi này được coi là một biện pháp để  khắc phục tình trạng quá tải hiện nay của Cục Sở hữu Trí tuệ bằng việc tạo cơ hội để kéo dài thời hạn xét nghiệm các đơn xin bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Căn cứ nội dung sửa đổi Điều 201.1, các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ được bổ sung tư cách là những tổ chức có thẩm quyền giám định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện cho Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc Cục Bản quyền Việt Nam tiếp tục giám định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như quy định trước đây của Luật Sở hữu Trí tuệ. Theo Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành, Cục Sở hữu Trí tuệ và Cục Bản quyền Việt Nam không có quyền giám định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi vì họ chỉ là các cơ quan đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, họ không được tiến hành giám định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo tính khách quan của việc giám định. Đúng ra, việc giám định quyền sở hữu trí tuệ cần được tiến hành bởi những cá nhân hoặc tổ chức khác có kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Nghịch lý là sau hai năm thi hành, trái với sự trông đợi của các nhà làm luật, thay đổi này dường như là trở ngại chính trong việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ do thiếu các tổ chức giám định và chuyên gia giám định. Bởi vậy, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như các luật sư thực thi quyền sở hữu trí tuệ hy vọng rằng đề xuất thay đổi này sẽ nâng cao tính hiệu quả trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong tương lai gần.

Căn cứ đề xuất sửa đổi đối với Điều 211.1., theo các thủ tục hành chính, sẽ không cần gửi thư cảnh báo cho người bị tình nghi vi phạm theo như quy định hiện hành. Tuy nhiên, các nhà soạn thảo luật hiểu rõ rằng những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với tư cách là những vi phạm quyền tư hữu được coi là những vi phạm dân sự mà không phải là các vi phạm trật tự công cộng (các vụ việc hành chính). Cho nên, họ cho rằng đây chỉ là một giải pháp tạm thời trong khi việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự (do tòa án giải quyết) chưa được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và các luật sư sở hữu trí tuệ quan tâm vì các hạn chế của các chế tài dân sự hiện hành.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo đề xuất sửa đổi đối với Điều 211.1.b, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý theo Luật Sở hữu Trí tuệ, mà không phải theo Luật Cạnh tranh như quy định hiện hành. Các nhà soạn thảo lập luận rằng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được coi là các vi phạm dân sự và việc bảo hộ sẽ hiệu quả hơn nếu được xử lý theo Luật Sở hữu Trí tuệ.

Căn cứ đề xuất sửa đổi đối với Điều 214.4, Chính phủ sẽ áp dụng các mức phạt tiền phù hợp với Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính mới được sửa đổi năm 2008. Theo đó, mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi  vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không được vượt quá 500 triệu đồng theo các thủ tục hành chính vì 500 triệu đồng là mức phạt tiền cao nhất theo Pháp lệnh nói trên.
 
Mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng được quy định trong Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính năm 2008 đủ nghiêm để trừng phạt và ngăn chặn những người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thực hiện các hành vi vi phạm, trong khi đó mức phạt tiền hiện hành là từ một đến năm lần tổng giá trị của hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị bắt giữ như quy định hiện hành được coi là quá cao và không khả thi.
 
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ và Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính hiện hành, chỉ có chánh thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp có quyền ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền trên 500 triệu đồng. Điều này có thể dẫn đến việc quá tải đối với Chánh thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp, làm cho quy định hiện thời này trở nên không khả thi.

Theo Điều 220A về giải quyết các khiếu nại và tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ, Chính phủ sẽ có các quy định cụ thể về việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc thiết lập, chuyển giao và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ chuẩn bị và trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch thành lập các tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ đặt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Các nhà soạn thảo lập luận rằng do sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực rất cụ thể và phức tạp, việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ cần có các thẩm phán và tòa án chuyên biệt. Hơn nữa, việc thành lập các tòa án về sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện cho việc giáo dục và đào tạo các thẩm phán giỏi chuyên về xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ.

Thêm vào đó, các quy định liên quan đến các quyền đối với giống cây trồng như tính khác biệt của giống cây trồng (Điều 160), mở rộng quyền của chủ bằng bảo hộ (Điều 187) và hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ (Điều 190) được coi là không phù hợp với UPOV, Công ước Quốc tế về Bảo hộ các Giống Cây trồng Mới. Các quy định này cũng được đề xuất sửa đổi trong Dự thảo này.

Theo kế hoạch, Dự thảo sẽ được trình cho Quốc hội thông qua vào giữa năm 2009. Nếu những thay đổi nói trên được Quốc hội thông qua, Luật Sở hữu Trí tuệ sẽ đóng góp có hiệu quả hơn vào sự phát triển và việc nâng cao trình độ công nghệ của  của đất nước ta trong tương lai gần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét