Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Đầu tư nước ngoài: Đăng ký thay đổi tư cách cổ đông như thế nào?

Việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu thì càng tạo nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh hơn cho người nước ngoài. Để thực hiện việc đầu tư ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn hình thức đầu tư trực tiếp (“ĐTTT”) hoặc đầu tư gián tiếp (“ĐTGT”). Nếu lựa chọn hình thức đầu tư trực tiếp, thì trước tháng 06 năm 2010, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tuân thủ Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (“Luật ĐTNN 1996”). Nếu lựa chọn hình thức đầu tư gián tiếp, thì trước tháng 06 năm 2010, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp năm 1999 (“Luật DN 1999”) và Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước năm 1998 (“Luật KKĐTTN 1998”). Kể từ tháng 6 năm 2006, mọi hoạt động đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp, đều phải tuân thủ các quy định chung của Luật Đầu tư năm 2005 (“Luật ĐT 2005”), và Luật Doanh nghiệp năm 2005 (“Luật DN 2005”), với ý tưởng nhằm xây dựng một sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, không phân biệt các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (“công ty có vốn ĐTNN”) được thành lập trước đây theo Luật ĐTNN 1996, và các công ty Việt Nam trước đây được thành lập theo Luật DN 1999 và sau này được thành lập theo Luật DN 2005.

Theo Luật ĐT 2005, “đầu tư trực tiếp” là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư, trong khi “đầu tư gián tiếp” là hình thức đầu tư do  nhà đầu tư tự mình, thông qua quỹ đầu tư chứng khoán hoặc các trung gian tài chính khác, mua cổ phần, [phần vốn góp], cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Vẫn còn sự khác biệt giữa các công ty có vốn ĐTNN và các công ty Việt Nam


Như đã nói trên, cho dù về lý thuyết, tất cả các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam đều hoạt động trên cùng một “sân chơi” chung, và nhìn chung không có sự phân biệt đối xử trong các yêu cầu, điều kiện, và thủ tục để thành lập, quản lý và điều hành công ty, và yêu cầu, điều kiện và thủ tục để đăng ký và thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại các yêu cầu, điều kiện và thủ tục nói chung giữa các công ty có vốn ĐTNN và các công ty Việt Nam, đặc biệt là thủ tục đăng ký kinh doanh để thành lập công ty, đăng ký đầu tư để thực hiện dự án đầu tư, cũng như các thủ tục để sửa đổi, bổ sung đối với các giấy chứng nhận đăng ký đó. Sự khác biệt còn thể hiện ở hệ thống các cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư khác nhau.

Đối với các công ty có vốn ĐTNN, mặc dù có thủ tục “đăng  ký kinh doanh” riêng cho việc đăng ký thành lập công ty, và “đăng ký đầu tư” riêng cho việc đăng ký dự án đầu tư, việc thực hiện các thủ tục nói trên, theo quy định của Luật ĐT 2005, về cơ bản là giống với thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật ĐTNN 1996, và khác hẳn so với các thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký dự án đầu tư áp dụng cho các công ty Việt Nam. [Đăng ký ở đây có nghĩa là công ty hoàn tất một công việc nào đó, sau đó đăng ký công việc đã hoàn thành đó với cơ quan có thẩm quyền]. [Thẩm định và phê duyệt ở đây có nghĩa là trước khi công ty thực hiện một công việc nào đó, công ty phải xin được phê duyệt trước từ cơ quan có thẩm quyền]. Cụ thể, để tiến hành hoạt động đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cấp “Giấy Chứng nhận Đầu tư”. Giấy Chứng nhận Đầu tư này sẽ có giá trị như một “Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh” thông thường được cấp cho việc thành lập của một công ty Việt Nam, đồng thời có giá trị như một “Giấy Chứng nhận Đầu tư” thông thường được cấp cho một dự án đầu tư mới mà công ty Việt Nam đăng ký thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư nói trên là các Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (“UBND”). Giúp UBND cấp tỉnh trong việc xem xét và cấp Giấy Chứng nhận đầu tư là các Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh (“Sở KHĐT”). Như vậy, về cơ bản, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài theo Luật ĐT 2005 và Luật DN 2005 là không thay đổi so với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép Đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài theo Luật ĐTNN 1996.

Đối với các công ty Việt Nam, một công ty mới thành lập sẽ được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh. Khi công ty đó có thực hiện các dự án đầu tư mới, thì tùy theo các quy định cụ thể của pháp luật, đối với mỗi dự án đầu tư mới, công ty sẽ được cấp một Giấy Chứng nhận Đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh và Giấy Chứng nhận đầu tư là các Phòng đăng ký kinh doanh (“Phòng ĐKKD”), thuộc các Sở KHĐT.

Sự khác biệt đã tạo ra sự mập mờ, không rõ ràng trong việc đăng ký thay đổi tư cách cổ đông và tạo ra các rủi ro cho các nhà đầu tư

Như đã nói trên, cho dù về lý thuyết, tất cả các loại hình công ty, không phân biệt là công ty có vốn ĐTNN hay các công ty Việt Nam, đều chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật và cùng hoạt động trên một “sân chơi” chung. Tuy nhiên, trên thực tế, sự khác biệt về các yêu cầu, điều kiện, và thủ tục trong đăng ký kinh doanh và đầu tư, cũng như trong các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh và Giấy Chứng nhận Đầu tư như nói trên đã tạo ra một số khác biệt trong đăng ký và ghi nhận tư cách cổ đông của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty có vốn ĐTNN và các công ty Việt Nam.

Đối với các công ty có vốn ĐTNN, đặc biệt là các công ty chưa niêm yết, dường như tất cả mọi thay đổi trong cơ cấu cổ đông, ví dụ khi có sự chuyển nhượng vốn, đều phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi và điều chỉnh Giấy Chứng nhận Đầu tư. Theo đó, tên và các thông tin liên quan của tất cả các nhà đầu tư, cùng bất kỳ thay đổi nào về tỷ lệ sở hữu trong vốn điều lệ đều phải được ghi nhận trong Giấy Chứng nhận Đầu tư sửa đổi. Yêu cầu này dường như không phù hợp với các quy định trong Luật DN 2005 đối với các công ty nói chung, làm phát sinh thêm các thủ tục giấy tờ và tiêu tốn thời gian không cần thiết của không chỉ các công ty mà còn của các cơ quan nhà nước liên quan. Về vấn đề này, Luật DN 2005 chỉ yêu cầu phải sửa đổi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, ví dụ khi có chuyển nhượng vốn và thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập trong vốn điều lệ của công ty (sẽ trình bày thêm dưới đây). Thêm vào đó, chúng tôi không thấy có quy định nào cũng như phần nào trong Giấy Chứng nhận Đầu tư để có thể ghi nhận tư cách cổ đông sáng lập của các nhà đầu tư trong các công ty có vốn ĐTNN. Điều này cũng gây ra nhiều trở ngại không chỉ cho các công ty có vốn ĐTNN mà còn cho cả các cơ quan có thẩm quyền khi xem xét và giải quyết các vấn đề có liên quan đến, ví dụ việc chuyển nhượng vốn có liên quan đến các cổ đông sáng lập của công ty (ví dụ có chịu sự ràng buộc áp dụng đối với các cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm đầu như quy định trong Luật DN 2005 hay không).

Đối với các công ty Việt Nam, chỉ sự thay đổi về việc tỷ lệ vốn nắm giữ bởi các cổ đông sáng lập trong công ty mới cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh. Luật DN 2005 cũng yêu cầu phải đăng ký các cổ đông nắm giữ từ 5% vốn điều lệ của công ty trở lên với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các cổ đông thường sẽ không phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, và không dòi hỏi phải có sửa đổi bổ sung đối với Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh. Quy định này dường như đơn giản hơn rất nhiều so với các yêu cầu, điều kiện và thủ tục áp dụng đối với các công ty có vốn ĐTNN như đã trình bày ở trên.

Đề xuất khắc phục

Để xóa bỏ những sự khác biệt nói trên và tạo ra một “sân chơi” chung, thực sự bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, xuất phát từ góc nhìn thực tế, chúng tôi cho rằng dù sớm hay muộn cần áp dụng chung các yêu cầu, điều kiện và thủ tục liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, không phân biệt công ty có vốn ĐTNN hay công ty Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng tôi cho rằng cần phải xem xét và sớm có các sửa đổi bổ sung cần thiết đối với Luật DN 2005 và Luật ĐT 2005./.

Luật sư Phan Nghiêm
0988 505 572 - 0913 579 801
Email: phannghiemlawyer@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét