Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Ai là người sở hữu sáng chế do người lao động tạo ra: Người sử dụng lao động hay bản thân người lao động?

Trên thực tế, rất nhiều sáng chế không được tạo ra bởi những nhà sáng chế tự do, mà bởi người lao động trong quá trình làm việc của họ. Đó có thể là một chế phẩm thuốc mới, một quy trình điều chế hợp chất, một phương thức kiểm soát dịch bệnh ở thực vật, hoặc một phương pháp sản xuất. Vấn đề ai sẽ được công nhận là chủ sở hữu của những sáng chế này, tác giả sáng chế hay người chủ của anh ta, cũng quan trọng không kém nguyên tắc phân chia quyền sáng chế của người lao đông, quyền của người sử dụng lao động và tiền thù lao, bởi trong trường hợp những nguyên tắc này quá thiên vị cho một bên, hoặc người lao động hoặc người sử dụng lao động, rất dễ dẫn tới khả năng tranh chấp về sự công bằng xã hội và cạnh tranh công nghệ. Câu trả lời cho vấn đề nói trên không thống nhất ở các quốc gia khác nhau và sẽ được bàn luận dưới đây.

Các sáng chế thường được chế tạo ra bởi những người lao động trong quá trình lao động của họ. Có thể thấy trong các vụ án, một khi quyền lợi của người  sử dụng lao động và người lao động không được xác định rõ ràng trước theo hình thức thỏa thuận bằng lời hoặc bằng văn bản, thì thường rất dễ xảy ra tranh chấp pháp lý tốn thời gian và tiền bạc. Người lao động thường cho rằng bằng sáng chế cấp cho những sáng chế của họ không nhất thiết phải thuộc về người sử dụng lao động vì chính họ, chứ không phải người sử dụng lao động đã sáng tạo ra những sáng chế đó. Ngược lại, người sử dụng lao động nghĩ rằng họ có quyền được sở hữu bằng sáng chế cấp cho những sáng chế đó và sẽ được trao độc quyền đối với những sáng chế đã được cấp bằng sáng chế vì những sáng chế này được tạo ra bởi người lao động của họ, sử dụng cơ sở vật chất của họ trong quá trình lao động. Do đó, luật sáng chế ở mỗi hệ thống pháp lý khác nhau cần phải làm gì để đảm bảo cho người sử dụng lao động và người lao động sáng chế được hưởng những phần quyền của họ đối với sáng chế?  

Nhiều phương thức tiếp cận vấn đề khác nhau đã được sử dụng trên thế giới. Theo luật Australia, người sử dụng lao động thường có quyền đối với sáng chế do người lao động của họ làm ra. Ngược lại, luật sáng chế Nhật Bản trao quyền sở hữu cho người lao động đối với những sáng chế họ tạo ra trong quá trình lao động. Người sử dụng lao động sẽ được quyền sử dụng sáng chế dưới dạng không độc quyền nhưng có thể chuyển giao, sau khi đã thanh toán tiền thù lao hợp lý cho người lao động/người chuyển giao quyền sử dụng này. Những quy định của Đức về vấn đề sáng chế của người lao động cũng được xem là có lợi cho người lao động. Những sáng chế thuộc về người lao động và người sử dụng lao động chỉ có quyền sử dụng các sáng chế công vụ được tạo ra trong quá trình kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ của người lao động trên cơ sở thanh toán một khoản thù lao tương xứng. Cách thức tiếp cận của Hoa Kỳ đối với loại sáng chế này thì cởi mở hơn vì không có đạo luật liên bang nào quy định nghiêm ngặt về vấn đề tiền thù lao cho các sáng chế được tạo ra bởi người lao động. Hầu hết các công ty đều có những quy định liên quan đến việc bồi thường cho các sáng chế do nhân viên tạo ra. Tuy nhiên, các công ty không có nghĩa vụ pháp lý bắt buộc phải làm như vậy. Nhìn chung, quyền sáng chế được cho rằng thuộc về những người sử dụng lao động thông qua những thỏa thuận ngầm định với người lao động -  hoặc cho rằng bất kỳ điều khoản nào về việc bồi thường cho sáng chế của người lao động đã được thỏa thuận trước đó với nhân viên trong quá trình thương lượng hợp đồng lao động ban đầu.

Nguyên tắc quyền tự do sử dụng sáng chế của người sử dụng lao động (“shop right”)


Mặc dù luật sáng chế Mỹ trao cho người sử dụng lao động một vị thế thuận lợi hơn nhiều so với luật pháp ở châu Âu, bản thân những người lao động vẫn có thể dựa vào giới hạn quyền tự do sử dụng sáng chế của người sử dụng lao động nếu họ không được thuê hoặc được nhận làm việc một cách rõ ràng là để tạo ra sáng chế. Quyền tự do sử dụng sáng chế của người sử dụng lao động là quyền miễn trả tiền bản quyền và không độc quyền của người sử dụng lao động được phép sử dụng những công nghệ phát triển ra, tạo ra bởi người lao động thông qua sử dụng thời gian làm việc hoặc ngân sách của người sử dụng lao động trong quá trình làm việc. Quyền tự do sử dụng sáng chế của người sử dụng lao động thường được ngầm định khi một người lao động, không được thuê một cách rõ ràng là để sáng chế, sử dụng tiện ích của người sử dụng lao động để phát triển một công nghệ mới trong thời gian lao động. Quyền này được công nhận căn cứ trên những đóng góp được cho là của người sử dụng lao động vào công nghệ này thông qua những nguyên liệu, thiết bị, thời gian và dụng cụ của anh ta. Quyền tự do sử dụng sáng chế của người sử dụng lao động cho phép người sử dụng lao động sử dụng công nghệ được sáng chế này, nhưng không được phép bán cũng như không được quyền cấm người khác sử dụng công nghệ này. Đây là quyền không bị trói buộc đối với việc sản xuất, sử dụng và bán công nghệ này và không phải bồi hoàn cho tác giả sáng chế.

Những sáng chế của người lao động ở Việt Nam

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định rằng quyền nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến sáng chế của người lao động thuộc về các pháp nhân hoặc cá nhân đã cung cấp tài chính và cơ sở vật chất cho nhà sáng chế qua sự chuyển giao công việc hoặc thuê để thực hiện công việc này trừ phi được thỏa thuận khác bởi các bên có liên quan. Do đó, người sử dụng lao động có quyền nhận bằng sáng chế cho những sáng chế trên và được trao quyền độc quyền đối với những sáng chế được cấp bằng sáng chế. Người lao động sẽ được hưởng một số quyền nhân thân đối với công nghệ sáng chế ra, được ghi tên là tác giả sáng chế trong các giấy tờ liên quan đến bằng sáng chế cũng như trong bất kỳ tài liệu nào mà công nghệ này được công bố hoặc giới thiệu. Người lao động cũng nhận được một khoản thù lao theo quy định của pháp luật.                                                  

Tuy nhiên, cũng chưa rõ ràng rằng các quy định vẫn sẽ được áp dụng tương tự trong trường hợp người lao động không được thuê một cách rõ ràng hoặc nhận vào làm việc cụ thể để sáng chế hoặc nếu sáng chế được thực hiện ngoài phạm vi công việc. Trong tình huống đầu tiên, người sử dụng lao động có nên chăng chỉ được hưởng một quyền tự do sử dụng sáng chế miễn không phải trả phí bản quyền cho người lao động/tác giả sáng chế, một dạng quyền không độc quyền và không có khả năng chuyển giao, tính đến những đóng góp tư liệu và thời gian được cho là của người sử dụng lao động thay vì một quyền độc quyền đối với những sáng chế được tạo ra bởi người lao động này? Hoặc quy định về sáng chế của người lao động nên thay đổi theo hướng có lợi hơn cho người lao động? Ở Việt Nam, thường không có truyền thống nhảy việc, sự thay đổi công việc là không phổ biến và thường bị coi là nhược điểm hơn là ưu điểm. Nó đặt tác giả sáng chế được thuê vào một vị trí bất lợi khi thương thuyết với người sử dụng lao động về tiền thù lao nếu họ vẫn có ý định gắn bó với công ty. Các cơ quan lập pháp cần đảm bảo rằng người lao động được tương thưởng tương xứng với những nỗ lực sáng tạo của họ đồng thời vẫn mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Đây là điều kiên tiên quyết để khuyến khích sự sáng tạo của người lao động đồng thời bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người sử dụng lao động đối với sáng chế của người lao động.

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay và có ích cho các đọc giả nghiên cứu. Luật sư có thể phân tích thêm về quyền SHTT của NLĐ đối với những đối tượng khác như tác phẩm, bí mật kinh doanh được không ạ? Mong nhận được phản hồi từ Luật sư. Trân trọng cảm ơn

    Trả lờiXóa