Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Điều kiện thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 và theo dự kiến ngày 01/01/2014 tiến tới bắt buộc toàn dân tham gia BHYT[1]. Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT toàn dân cần có những điều kiện thiết yếu và nếu không đảm bảo những điều kiện được xem là sống còn ấy, mục tiêu BHYT toàn dân sẽ không thực hiện được.
1. Tình hình thực hiện bảo hiểm y tế
Nước ta hiện có dân số khoảng hơn 91 triệu người[2], thu nhập bình quân GDP trên đầu người chưa cao (khoảng 1.200 USD), trong khi cách biệt về thu nhập và mức sống giữa các nhóm dân cư là rất lớn. Chính vì vậy, khả năng tham gia BHYT của người dân cũng rất khác nhau. Chương trình BHYT hiện nay đã được triển khai trên hầu hết các nhóm đối tượng như công chức, viên chức, người lao động và người nghỉ hưu; trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh và sinh viên; người nghèo, người cận nghèo; người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... Các đối tượng tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; khám bệnh để sàng lọc và chẩn đoán sớm một số bệnh; mức hỗ trợ được thanh toán với tỷ lệ 100%, 95%, 80% chi phí khám chữa bệnh.
BHYT chưa bao phủ được toàn bộ dân cư
Đến tháng 6/2011, đã có 53,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 60% dân số[3]. Tuy nhiên, tỷ lệ trên cũng cho thấy còn khoảng 40% dân số nằm ngoài hệ thống. Trong số đối tượng chưa tham gia BHYT có cả đối tượng tham gia bắt buộc và đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng (ví dụ: người lao động trong các doanh nghiệp thuộc nhóm tham gia quan hệ lao động ổn định, tỷ lệ tham gia BHYT mới đạt 53,4%; số người cận nghèo tham gia BHYT cũng mới đạt khoảng 13,1%). Đối với nhóm đối tượng hiện chưa thuộc phạm vi tham gia BHYT bắt buộc, tỷ lệ tham gia còn thấp hơn nữa, chỉ đạt trên 18%[4].
Thiếu nguồn tài chính
Với cách thức hình thành quỹ chủ yếu thông qua cơ chế đóng góp đơn lẻ, trong khi Nhà nước chưa thể đảm bảo sự tham gia của tất cả mọi người, nguồn tài chính sẽ không thể dồi dào. Ngoài ra, những bất cập trong hướng dẫn, quản lý và phân bổ tài chính, tự chủ tài chính cũng như tình trạng lạm dụng, trục lợi thiết bị còn nhiều, gây mất an toàn về tài chính BHYT. Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, vấn đề bội chi quỹ là khá nghiêm trọng, chẳng hạn hơn 70 tỷ đồng vào quý I/2010 với chỉ 14 tỉnh thành, và cho đến hết quý II/2011 tình trạng bội chi đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi số các tỉnh thành bội chi tăng lên rất nhiều[5].    
Chất lượng khám, chữa bệnh còn thấp
Việc có ít người tham gia BHYT thể hiện thực trạng người dân chưa mặn mà với BHYT, một phần do điều kiện kinh tế khó khăn của cá nhân họ, một phần do chất lượng của BHYT chưa tốt, chưa hấp dẫn, tiêu cực còn nhiều, người bệnh vẫn phải chi tiền túi đáng kể để điều trị khi có bệnh tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng quá tải còn phổ biến, thủ tục hành chính, phân tuyến kỹ thuật cũng chưa phù hợp...[6] Khi chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT còn thấp, xu hướng chung là nếu có điều kiện lựa chọn thì người bệnh sẽ tìm đến những dịch vụ khám, chữa bệnh tư thay vì vào bệnh viện công[7].
2. Điều kiện thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam
Điều kiện tài chính
BHYT toàn dân có nghĩa là một khối lượng dịch vụ rất lớn sẽ được cung cấp, như vậy cần cơ chế tạo quỹ và cách thức chi tiêu hiệu quả. Sẽ không thể có được BHYT toàn dân nếu người sử dụng dịch vụ bị khó khăn về tài chính hoặc bị cản trở sử dụng dịch vụ do họ phải trả tiền tại chỗ. Cơ chế thanh toán tại chỗ có nguy cơ làm cho người bệnh trì hoãn việc khám chữa bệnh. Việc này có thể làm cho tình trạng bệnh tật trở nên trầm trọng hơn, can thiệp y tế sau đó phức tạp hơn và rốt cục lại trở nên tốn kém hơn. Thanh toán tại chỗ không chỉ làm cho tình trạng kinh tế gia đình của người bệnh kiệt quệ mà còn tạo ra điều kiện để tiêu cực trong ngành này phát triển, ví dụ việc đưa hối lộ cho các nhân viên y tế để nhận được dịch vụ như yêu cầu.
Theo gợi ý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để có được BHYT toàn dân, phải tạo được một quỹ bao trùm, được thiết lập bằng sự đóng góp của mọi thành viên trong xã hội. Nguồn quỹ, nếu không thể thu bằng cách khấu trừ vào thu nhập của tất cả các thành viên xã hội, sẽ không có con đường nào hiệu quả hơn con đường thu thuế. Về độ lớn của quỹ, phải cân đối với tổng số dân, đảm bảo đủ cung cấp cho dân cư, với một khối lượng dịch vụ cung cấp và chất lượng nhất định. Nguồn tài chính cần được tăng cường ổn định và sử dụng hợp lý, tiết kiệm.
Tạo nguồn tài chính y tế bao trùm lên mọi đối tượng người dân
Hiện nay, Việt Nam đã có quy định để mọi người dân đều có cơ hội tham gia BHYT. Nhưng điều cần đạt đến của một nền y tế toàn dân là mọi người đều có cơ hội hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do vậy, nếu chỉ tạo ra điều kiện để mọi người có cơ hội tham gia, thì sẽ có nhiều người không tích cực, chủ động tham gia, thậm chí trốn tránh đóng phí và do đó, không có cơ hội hưởng BHYT. Với mức phí khá tương đồng bất kể sự khác biệt rất lớn về mức sống giữa người giàu và người nghèo, thì hệ thống y tế không thể đem đến cơ hội chăm sóc sức khỏe chotất cả mọi người và mục tiêu toàn dân được hưởng BHYT sẽ rất khó thực hiện.
Về phương diện này, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Nhiều bằng chứng cho thấy, việc huy động quỹ thông qua yêu cầu trả trước là cơ sở hiệu quả nhất và công bằng để mở rộng số người được hưởng BHYT[8]. Muốn làm được như vậy, nguồn thu từ thuế phải được coi trọng hàng đầu. Cách làm này có ưu điểm là sẽ tạo cơ hội đóng góp quỹ linh hoạt nhất, được thực hiện theo khả năng của đối tượng, tạo ra cơ hội để thực hiện sự tương trợ giữa nhóm dân cư, giảm thiểu phản ứng tiêu cực bởi thuế là một biện pháp thu quỹ khá êm đềm, vừa công bằng, vừa chọn lọc.
Một số quốc gia đã thực hiện thu phí BHYT bắt buộc đối với mọi người dân khá thành công,ví dụ như Pháp. Ở Việt Nam, việc tham gia BHYT là bắt buộc, trừ một số đối tượng chỉ được tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện cho đến hết năm 2013, sau đó sẽ phải tham gia BHYT bắt buộc[9]. Tuy nhiên, khả năng thành công của nước ta lại không chắc chắn vì trong khi ở Pháp hay một số quốc gia phát triển thực hiện BHYT bắt buộc, thu nhập của người dân được Nhà nước quản lý khá tốt và việc thu phí bảo hiểm được khấu trừ tự động thì ở Việt Nam, vấn đề kiểm soát thu nhập của người dân chưa thực hiện được. Do đó, việc tham gia BHYT của người dân vẫn phụ thuộc vào sự tự giác của chính họ chứ không còn là mong muốn chủ quan của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh vi phạm pháp luật còn nhiều, lại chưa có cơ chế xử phạt vi phạm đối với những người không tham gia BHYT. Từ thực tế này cho thấy, nếu không thay đổi cơ chế thu nộp BHYT, thì việc thực hiện BHYT toàn dân là không khả thi. 
Tạo thêm nguồn thu cho quỹ BHYT
Thiết lập một quỹ thích hợp là chính sách đầu tiên nhưng quỹ đó cần được dồi dào để đủ chi tiêu. Việt Nam là một trong những quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới, nếu không phát triển quỹ BHYT triệt để thì tài chính sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng và không thể có dịch vụ y tế tốt. Nhưng thực tế cũng cho thấy, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển quỹ, do người tiêu dùng là đối tượng dễ tính và nhu cầu tiêu dùng lớn. Ví dụ, tất cả các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng có thể áp dụng mức thuế cao, chẳng hạn bia, rượu, thuốc lá...
Bên cạnh nguồn thu trên, để giải quyết các khó khăn ngắn hạn, Nhà nước có thể sử dụng đến các nguồn tài trợ, quỹ ODA… Theo báo cáo của Việt Nam, năm 2009 có hơn 400 nhà tài trợ xem xét các dự án y tế, ngành y tế…[10] Các nguồn khác cũng có thể cộng thêm vào hệ thống bảo hiểm (ví dụ, bảo hiểm tự nguyện dành cho những dịch vụ theo yêu cầu). Ngoài ra,Nhà nước rất cần có chiến lược sử dụng các nguồn lực hiệu quả, cũng như tận dụng các nguồn tại chỗ.
Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và loại bỏ lãng phí
Việc huy động tiền đầy đủ cho sức khỏe là điều bắt buộc, nhưng có nguồn tiền cũng chưa phải là điều kiện đủ để đảm bảo BHYT toàn dân cũng như không đủ để đảm bảo dịch vụ y tế được cung cấp ở mức tốt nhất. WHO cho rằng, điều kiện đủ phải là đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả[11]Cơ hội cho người dân đạt được nhiều hay ít rất khác nhau với các nguồn tài chính dồi dào tương tự nhau tồn tại ở tất cả các quốc gia. WHO ước tính có khoảng 20-40% nguồn lực chi tiêu về y tế đang bị lãng phí, nếu những nguồn lực đó được tận dụng có thể hướng tới BHYT toàn dân[12]. Để tránh lãng phí, cần xử lý một số vấn đề lớn:
- Liên quan đến thuốc, cần minh bạch hóa tất cả các khâu trong quá trình sản xuất thuốc và tiêu thụ, công khai giá thuốc, thống nhất giá bán trên toàn quốc. Giáo dục về chăm sóc sức khỏe, cung cấp đủ thông tin, tránh việc lạm dụng thuốc cũng như sử dụng thuốc sai liệu trình.Trong số các thuốc có khả năng thay thế, lựa chọn loại thuốc có giá thành hợp lý, dễ sản xuất nhất, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thuốc trong nước. Thuốc kê theo đơn của BHYT phải đảm bảo giá trị chữa bệnh, nghiêm cấm việc kê đơn thuốc chữa bệnh bằng các nguồn thuốc bên ngoài, trừ các loại thuốc không cần kê đơn theo quy định thì cán bộ y tế có thể đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân. Xử lý những sai phạm như kê đơn không đúng, kê đơn quá mức. WHO cho biết, chỉ riêng việc giảm tất cả những chi phí không cần thiết về thuốc và sử dụng chúng một cách thích hợp, có thể tiết kiệm 5% chi tiêu y tế[13].
- Việc khám chữa bệnh phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt từ cấp địa phương trở lên. Quy định rõ chức năng và nhiệm vụ khám chữa bệnh của từng tuyến để nâng cao kinh nghiệm làm việc cũng như trách nhiệm của mỗi đơn vị khám chữa bệnh, tuyến cơ sở chỉ chịu trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe ban đầu và một số bệnh đơn giản. Các tuyến trên ở bậc càng cao sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh với chuyên môn sâu. Ngoại trừ việc cấp cứu, không được sử dụng các bệnh viện tuyến trên vào việc cung cấp những dịch vụ thuộc nhiệm vụ của tuyến dưới. Người dân nên được rèn luyện một thói quen sử dụng dịch vụ y tế một cách trật tự và đội ngũ cán bộ y tế phải được tạo điều kiện làm công tác chuyên sâu.
- Cải thiện cơ chế quản lý bệnh nhân. Khi đã thực hiện BHYT toàn dân, việc sử dụng chứng minh thư cũng có thể thay thế thẻ BHYT. Sử dụng thẻ bảo hiểm sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử giữa những người có thẻ và những người không có thẻ, gạt nhiều người ra khỏi phạm vi phục vụ của BHYT. Người bệnh vẫn nên phải chi trả một phần nhỏ chi phí khám chữa bệnh để hạn chế lạm dụng việc khám chữa bệnh, tạo áp lực không cần thiết lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
- Cải cách phương thức chi trả cho cán bộ y tế, đồng thời nâng cao trách nhiệm của họ. Phương pháp nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế và cải thiện tiền lương cho cán bộ y tế phải gắn liền với cơ chế chi trả theo ca bệnh. Thanh toán trên cơ sở ca bệnh, có nghĩa một số tiền cố định sẽ được cấp cho mỗi ca bệnh, bất kể cường độ hoặc thời gian điều trị tại bệnh viện như thế nào. Mỗi nhóm bệnh sẽ được chi với mức khác nhau. Tuy nhiên, để hạn chế việc giảm sút chất lượng phục vụ, cơ chế chi trả này cũng phải gắn với quyền tự do lựa chọn của bệnh nhân đối với nơi điều trị bệnh ở cùng một cấp, như vậy sẽ có sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế cũng như giữa các nhân viên y tế, bởi lẽ, bệnh viện phục vụ tốt mới có uy tín và thu hút nhiều bệnh nhân sử dụng dịch vụ. Theo đó, chất lượng đội ngũ được nâng cao và biên chế sẽ được tinh giản, đồng thời những cán bộ thiếu năng lực, thiếu ý thức phấn đấu sẽ tự động bị đẩy ra khỏi hệ thống.
- Loại bỏ lãng phí và tham nhũng là một yêu cầu quan trọng. Lãng phí có thể xảy ra ở khắp nơi trong các lĩnh vực của chăm sóc sức khỏe, ví dụ như người bệnh sử dụng thuốc không đúng, sử dụng thuốc đắt tiền hơn trong khi giá trị điều trị bệnh tật không cao hơn, điều trị muộn, không kịp thờisử dụng nhân viên không hợp lý, tuyển dụng cố định làm cho các nhân viên này có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, không phấn đấukhi không có đủ các giải pháp chăm sóc thay thế, không khuyến khích điều trị tại nhà; do sai sót trong điều trị, dẫn đến bệnh tật không được giải quyết sau nhiều cố gắng, thậm chí làm phát sinh những bệnh mớido đầu tư quá nhiều vào những can thiệp y tế đắt đỏ hoặc đầu tư thiếu cân bằng giữa các công tác phòng bệnh và điều trị, hoặc đầu tư không hợp lý ở các cấp khám chữa bệnh.
Để khắc phục sự lãng phí này, cần đánh giá lại hiệu quả của các giải pháp khám chữa bệnh, độ lớn của cơ sở y tế, tận dụng các nguồn lực tại chỗ, giám sát các hoạt động mua sắm để đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của thiết bị y tế. Những cơ sở vật chất sẵn có, những sản phẩm chung nên được tận dụng nhiều nhất có thể được, sắp xếp hợp lý các quy trình và thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh và xem xét lại ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho các dịch vụ phòng ngừa, cho cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cơ sở…
Hệ thống pháp luật
Ở phần trên chúng tôi đã phân tích những vấn đề tài chính, là điều kiện tiên quyết để thực hiện BHYT toàn dân. Nhưng để thiết lập một nền tài chính như vậy, không thể không dựa vào pháp luật. Pháp luật tạo ra cơ chế thu chi thích hợp, quy định các biện pháp phát triển quỹ, biện pháp chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Thực tế, có nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển ở mức thấp hơn vẫn có thể thực hiện một nền y tế hiệu quả. Chính vì thế, Nhà nước nên tích cực nghiên cứu và chuyển đổi hệ thống y tế ngay từ bây giờ, theo đó phải tạo ra một cơ chế trả trước, dựa trên những nguồn thu có tính phổ quát trong xã hội, đưa tất cả mọi người vào một hệ thống đóng góp tự động. Cùng với đó là các quy định về quy trình và thủ tục mà người bệnh cần tuân thủ để hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Cũng cần quy định mới về thuế để tạo thêm nguồn thu cho BHYT. Trong bối cảnh nhiều nguồn thu chưa thật khả thi do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc Nhà nước chưa có điều kiện để thực hiện một cách hiệu quả (ví dụ thuế thu nhập) do quản lý còn yếu, còn tồn tại nhiều tiêu cực… thì Nhà nước vẫn có thể quy định mức thuế suất cao hơn đối với nhiều mặt hàng xa xỉ, hoặc những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như đã nêu ở trên.
Cần có quy định để phân cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe khoa học, theo đó xác định rõ trách nhiệm thực hiện hoạt động chữa bệnh ở mỗi cấp, đồng thời cho phép các bệnh nhân được quyền lựa chọn bệnh viện, nhưng không tạo cơ hội để họ chọn bệnh viện vượt cấp. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân, quy định quan hệ hợp tác giữa các cơ sở y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Có đủ quy định để quản lý chặt chẽ hơn về quy trình khám chữa bệnh, hướng đến bãi bỏ thẻ bảo hiểm. Các quy định cần hướng vào việc làm minh bạch hóa hệ thống cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Quy định các biện pháp quản lý việc sản xuất và tiêu thụ thuốc, tổ chức tốt hệ thống thông tin y tế, niêm yết giá thuốc cấp quốc gia. Quy định trách nhiệm của một số cơ quan trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn liên quan đến thuốc và chăm sóc sức khỏe. Quy định mức chi từ quỹ BHYT trên cơ sở ca bệnh, tránh cơ chế thanh toán dựa trên đơn thuốc. Điều này sẽ tránh được tình trạng kê đơn nhiều hơn mức cần thiết và khuyến khích kê đơn hiệu quả.
Cuối cùng và không thể thiếu, đó là cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Vấn đề nhận thức
Trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước đang dần chuyển việc tham gia BHYT là một lựa chọn thành nghĩa vụ bắt buộc, việc người dân ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm rất quan trọng. Tuy nhiên, sẽ có những người không tự giác tham gia BHYT hoặc vi phạm pháp luật về BHYT, do vậy, Nhà nước cần chuyển đổi thành cơ chế tự động, như trên chúng tôi đã nêu, tức là lập quỹ có tính bao trùm lên mọi đối tượng dân chúng và tất cả người dân được hưởng dịch vụ khi đau ốm. Trong thời điểm ban đầu khi nguồn quỹ còn ít ỏi thì thực hiện dịch vụ ở mức độ vừa phải, sau đó sẽ mở rộng phạm vi cũng như chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe và thuốc, nhận thức và thái độ của cán bộ y tế về tầm quan trọng của nghề, đạo đức nghề nghiệp, bổn phận và trách nhiệm của họ trong sản xuất và tiêu thụ thuốc, trong công tác điều trị, ý thức và tinh thần trách nhiệm của các cán bộ trong các cơ quan chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực sức khỏe…
Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh
Tình trạng quá tải hiện nay ở hệ thống bệnh viện khá nghiêm trọng. Việc giải quyết tình trạng này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Một trong những biện pháp có thể áp dụng là tăng cường các cơ sở khám chữa bệnh mới, đặc biệt là khu vực tư nhân. Với chiến lược chi trả theo hội chẩn và ca bệnh, sẽ khuyến khích đầu tư để bệnh viện hoạt động tích cực hơn, từ đó thu hút nhiều bệnh nhân đến điều trị. Bên cạnh hệ thống bảo vệ sức khỏe chính thống nêu trên, cần sử dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ (điều trị tại nhà) để giảm tải đối với hệ thống cơ sở y tế.
Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thành công BHYT toàn dân với điều kiện hiện có nếu thực sự  thiện chí chuyển đổi và tích cực học hỏi một số quốc gia với điều kiện kinh tế chưaphát triển nhưng đã xây dựng được nền bảo hiểm y tế tốt như Chile[14], Colombia[15], Cuba[16], Rwanda[17], SriLanka[18], đồng thời nên nghiên cứu và áp dụng các kinh nghiệm, sáng kiến mà WHO và Tổ chức Liên minh Minh bạch thuốc khuyến nghị.
Tóm lại, để bảo đảm cho một nền BHYT toàn dân, Nhà nước cần phát triển cơ chế thanh toán trả trước, tăng thêm nguồn thu, đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng quỹ. Đầu tư khôn ngoan, chi tiêu thông minh, hạn chế tiêu cực và thất thoát ở mọi hình thức, mọi khâu của hoạt động chăm sóc sức khỏe có thể giúp nước ta tiếp cận với BHYT toàn dân mà không cần tăng chi tiêu quá lớn. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe./.



[1] Nguyễn Võ Hinh, 2012, Vấn đề BHYT tại Việt Nam, http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoPreview.jsp?ID=6161.
[2] Theo số liệu thống kê được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát hành năm 2011.
[3] Báo cáo tổng kết hai năm thực hiện Luật BHYT – Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ngày 17/10/2011.
[4] Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, 2011, tlđd.
[5] An Như, 2010, Nguy cơ vỡ Quỹ BHYT đã nhãn tiền, Báo Pháp luật điện tử.
[6] Hoàng Ngọc, 2012, Cần sớm sửa đổi Luật BHYT theo hướng mở rộng bền vững, bao phủ hiệu quả,http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=677
[7] Hoàng Ngọc, 2012, tlđd.
[8] Thông điệp từ Tổng Thư ký WHO, Tiến sỹ Margaret Chan, The World Health Report 2010, trang vii.
[9] Xem Điều 15, Điều 16 của Quyết định số 1111//QĐ-BHXH năm 2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về quản lý thu BHXH, y tế; sổ BHXH, thẻ BHYT.
[10]Global Health: a Millennium Development Goal and a right for all. Address by Andris Piebalgs, EU Commissioner for Development, at the Delivering the Right to Health with the Health MDGs conference, Brussels, 2 March 2010.
[11] WHO, 2010, Health System Financing, The path to universal coverage, The World Health Report 2010, trang xvi.
[12]WHO, 2010,  tlđd, trang xi.
[13] WHO, 2010, tlđd, trang xvii.
[14] Missoni E, Solimano G. Towards universal health coverage: the Chilean experience. World health report 2010 background paper, no. 4.
[15] Baeza C, Packard T. Beyond survival: protecting households from health shocks in Latin America. Washington, DC, The World Bank, 2006.
[16] Whiteford LM, Branch LG. Primary health care in Cuba: the other revolution. Lanham, Rowman and Littlefield Publishers, 2008.
[17] Musango L, Doetinchem O, Carrin G. De la mutualisation du risque maladie à l’assurance maladie universelle: expérience du Rwanda. World Health Organization, 2009.
[18] Rannan-Eliya R, Sikurajapathy L. Sri Lanka: “Good practice” in expanding health care coverage. Colombo, Institute for Health Policy, 2008 (Research Studies Series No. 3)

Nguồn: TCNGLP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét