Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

BÀN VỀ VIỆC TÒA ÁN YÊU CẦU PHẢI HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ …


ng A và ông B ký hợp đồng (viết tay) chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhau nhưng đến hạn theo thỏa thuận thì ông B (người chuyển nhượng) không đồng ý làm thủ tục chuyển quyền sang tên nên hai bên phát sinh tranh chấp. Ông A đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án xử: Tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên và yêu cầu ông B phải trả số tiền đã nhận chuyển nhượng.
Thẩm phán đã thụ lý hồ sơ và lãnh đạo Tòa án đã phân công một Thẩm phán khác giải quyết vụ án trên. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán trực tiếp giải quyết án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ vào khoản 2, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự với lý do tranh chấp giữa ông A và ông B là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tranh chấp đất đai theo qui định của Luật đất đai nhưng chưa được hoà giải ở cơ sở theo khoản 2, Điều 135 Luật đất đai. Như vậy, tranh chấp trên chưa đủ điều kiện khởi kiện theo điểm đ, Khoản 1, Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ông A không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nên đã kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo của ông A, giữ nguyên quyết định đình chỉ. Vụ việc đã làm cho ông A bức xúc, đi lại nhiều lần nhưng ông A buộc vẫn phải làm theo hướng dẫn của Tòa án, nộp đơn khởi kiện tại UBND xã để được tổ chức hòa giải ở cơ sở, đủ điều kiện thụ lý vụ án.
Điều 135 Luật đất đai quy định, khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp không hòa giải được tại UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Khoản 26, Điều 4 Luật Đất đai qui định: “Tranh chấp đất đai (TTĐĐ) là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (NSDĐ) giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Thông thường để an toàn, một số Thẩm phán giải quyết án đều yêu cầu phải hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai. Việc “cầu toàn” của Thẩm phán đã “vô tình” gây nhiều phiền hà cho dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số vị thẩm phán chưa phân biệt rõ được: tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai?. Tranh chấp đất đai, đối tượng tranh chấp phải là quyền sử dụng đất. Còn các tranh chấp liên quan đến đất đai thì có đối tượng tranh chấp khác. Cụ thể, trong trường hợp này, đối tượng tranh chấp là nghĩa vụ trả tiền đã nhận chuyển nhượng của ông B chứ không phải là quyền sử dụng đất của ông B. Nên việc giải quyết án, không cần thủ tục hòa giải ở cơ sở.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, các tranh chấp về hợp đồng thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các yêu cầu của đương sự là trả tiền cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng; không phải là quyền sử dụng đất nhưng một số Tòa lại qui định theo kiểu an toàn: bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở. Đối với các trường hợp này, Luật không có qui định bắt buộc hòa giải ở cơ sở vì đây không phải là tranh chấp đất đai. Do đó, Tòa án cần thống nhất áp dụng đúng qui định của pháp luật, chứ đừng vì “cầu toàn” mà tự mình qui định các thủ tục thừa, gây khó khăn, phiền hà cho dân.
Nguồn: TẠP CHÍ KIỂM SÁT ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét