Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Những bất cập và hướng sửa đổi các quy định pháp luật về công chứng

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 15/11/1945, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 59/SL quy định về “Thể lệ thị thực các giấy tờ”. Sau đó ngày 29/02/1952, ban hành Sắc lệnh số 85/SL về “Thể lệ trước bạ về việc mua, bán, cho, đổi nhà cửa, ruộng đất”. Theo hai Sắc lệnh này thì một số việc chứng nhận các giấy tờ sẽ giao cho Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp thực hiện. Có thể nói, các văn bản này đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động công chứng (HĐCC).
Gần 40 năm sau, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) mới ban hành Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 để điều chỉnh về HĐCC. Sau một thời gian, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 để hướng dẫn thực hiện các công việc công chứng nhà nước. Ngày 27/02/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45/HĐBT về tổ chức và HĐCC nhà nước. Đây là văn bản đầu tiên quy định toàn diện về tổ chức và HĐCC, là cơ sở quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc “chuyển tải” các quy định trong Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Pháp lệnh Nhà ở năm 1991, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991… vào thực tiễn cuộc sống. 
Do tình hình kinh tế - xã hội biến động không ngừng, các quan hệ xã hội thay đổi với tốc độ nhanh, nên để có cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong HĐCC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 về tổ chức và HĐCC nhằm thay thế cho Nghị định số 45/HĐBT. Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Nghị định số 31/CP đã tỏ ra bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Do vậy, ngày 08/12/2000, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực thay thế cho Nghị định số 31/CP.
Tuy nhiên, công chứng là một vấn đề rất quan trọng, không thể cứ mãi được điều chỉnh bởi các “nghị định không đầu chứa quy phạm tiên phát” do Chính phủ ban hành mà phải được điều chỉnh ở tầm cao hơn trong một văn bản luật. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI, tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Công chứng. Việc ban hành Luật Công chứng là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về công chứng, đưa HĐCC đi vào nền nếp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
 Như vậy, có thể thấy rằng, các quy định pháp luật điều chỉnh HĐCC ngày càng được hoàn thiện, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường cũng như việc hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, bên cạnh những thành công đạt được thì vẫn còn nhiều “khuyết tật” phát sinh trong HĐCC. Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng trong bài viết, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật về vấn đề này và đề xuất hướng sửa đổi những bất cập đó.

1. Mâu thuẫn giữa Luật Công chứng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành với các VBQPPL khác
Luật Công chứng năm 2006 có mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Điều 2 Luật Công chứng quy định: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Qua quy định này chúng ta thấy, mục đích của công chứng là đảm bảo tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch. Vấn đề là làm thế nào để xác định tính xác thực, tính hợp pháp khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Thực tế có rất nhiều trường hợp người yêu cầu công chứng (NYCCC) sử dụng thông tin giả, giấy tờ giả, mạo danh… nhằm “lừa đảo” trục lợi. Từ đó, phát sinh tranh chấp và không hiếm trường hợp các Cơ quan điều tra phải vào cuộc vì có liên quan đến vụ án hình sự. Để phục vụ cho hoạt động điều tra thì Cơ quan điều tra có quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”1. Trong khi đó, Khoản 3 Điều 54 Luật Công chứng lại quy định: “Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại TCHNCC nơi đang lưu trữ hồ sơ công chứng”. Một câu hỏi đặt ra là, nếu Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp bản chính văn bản công chứng để mang đi giám định thì TCHNCC có đáp ứng yêu cầu này hay không? Nếu căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì câu trả lời sẽ là “Có” vì đó là quyền của Cơ quan điều tra và là nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công2. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Luật Công chứng thì câu trả lời sẽ là “Không”. Trong trường hợp này, rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa hai văn bản với nhau và việc giải quyết mâu thuẫn này không hề đơn giản vì bên nào cũng có lý lẽ riêng của mình. 
Theo chúng tôi, trong trường hợp này cần áp dụng các nguyên tắc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để giải quyết mâu thuẫn. Cụ thể, Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 quy định:“Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Công chứng đều do Quốc hội ban hành nhưng Luật Công chứng ban hành sau, nên sẽ ưu tiên áp dụng Luật Công chứng. Tuy nhiên, để có sự thống nhất hành động, để việc từ chối cung cấp bản chính văn bản công chứng có tình có lý thì trong Luật Công chứng nên quy định cụ thể, rõ ràng hoặc cần phải có Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan thống nhất giải quyết vấn đề này.
Luật Công chứng năm 2006 có mâu thuẫn với Luật Khiếu nại năm 2011
Điều 63 Luật Công chứng quy định: “NYCCC có quyền khiếu nại về việc từ chối công chứng khi có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, theo Luật Công chứng thì NYCCC có quyền khiếu nại khi bị từ chối công chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, NYCCC vẫn có quyền khiếu nại đối với hành vi đã công chứng3. Theo Luật Khiếu nại năm 2011 thì đối tượng của quyền khiếu nại chính là các “quyết định hành chính, hành vi hành chính”, trong khi Văn phòng công chứng (VPCC), thậm chí cả Phòng công chứng không phải là cơ quan hành chính nhà nước4, do đó, không thể ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính để NYCCC khiếu nại.
Theo Luật Khiếu nại năm 2011 (Điều 7) thì “người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (và cả lần hai) hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết” nhưng trong Luật Công chứng lại không nói rõ chủ thể nào là người giải quyết khiếu nại lần đầu và chủ thể nào là người giải quyết khiếu nại lần hai. Có thể nhận thấy trong Điều 63 Luật Công chứng quy định “ngụ ý” vấn đề này là “Trưởng Phòng công chứng, Trưởng VPCC” sẽ giải quyết khiếu nại lần đầu và “Giám đốc Sở Tư pháp” sẽ giải quyết khiếu nại lần hai. Tuy nhiên, trong Luật Công chứng lại không quy định về vấn đề khởi kiện tại Tòa án nếu như NYCCC không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết. Trong trường hợp này có thể áp dụng Điều 64 Luật Công chứng5 để khởi kiện ra Tòa án hay không, và nếu khởi kiện thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết? Có lẽ hợp lý nhất nên giao cho Tòa hành chính nhưng theo quy định tại Điều 28 Luật Tố tụng Hành chính năm 2010, thì Tòa hành chính không có thẩm quyền này6. Vậy Tòa nào có thẩm quyền, Tòa dân sự hay Tòa hình sự? Đây lại là một vấn đề vừa mâu thuẫn trong nội tại, vừa không có hướng giải quyết thấu đáo7.
Thiết nghĩ, khi sửa đổi Luật Công chứng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng liên quan đến việc khiếu nại của NYCCC. Cần phải làm rõ vấn đề: có nên quy định quyền khiếu nại của NYCCC hay không. Nếu cần phải quy định quyền này thì vấn đề giải quyết khiếu nại và khởi kiện cũng cần phải được quy định cụ thể. Tất nhiên, khi quy định quyền khởi kiện của công dân trong HĐCC thì Luật Tố tụng hành chính cũng cần phải có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Toà án trong lĩnh vực công chứng. Điều này có thể thực hiện bằng cách bổ sung thêm loại việc vào Điều 28 Luật Tố tụng hành chính - quy định về thẩm quyền theo loại việc của Toà án - hoặc Toà án nhân dân tối cao có những giải thích phù hợp để thuật ngữ “quyết định hành chính, hành vi hành chính” sử dụng trong Điều 28 của Luật Tố tụng hành chính có thể bao hàm được việc từ chối công chứng8.
Luật Công chứng năm 2006 có mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2005
Khoản 1 Điều 44 Luật Công chứng quy định: Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng. Trong khi đó, Điều 425 và Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2005 lại cho phép các bên có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng, hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Xét về mặt pháp lý, quy định về đơn phương hủy bỏ, chấm dứt thực hiện hợp đồng có sự mâu thuẫn giữa Luật Công chứng năm 2006 với Bộ luật Dân sự năm 2005. Thông thường, việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa các bên nên các bên không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa. Như vậy, trong trường hợp này xung đột lợi ích giữa các bên đã được đẩy đến cao trào nên rất khó để các bên cùng đến TCHNCC hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trước đó. Thời gian qua, việc áp dụng cách thức hủy bỏ hợp đồng, giao dịch theo quy định của của Luật Công chứng năm 2006 là không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho người dân và cả cơ quan thực hiện công chứng9. Vì vậy, theo chúng tôi, nên sửa đổi Luật Công chứng theo hướng thừa nhận việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng sao cho thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.
Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP có mâu thuẫn với Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 về việc thu phí công chứng
Điểm 1a, phần II của Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008 quy định: “Mức thu phí công chứng quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và VPCC. Trường hợp đối tượng nộp phí có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí”. Trong khi đó, Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”. TCHNCC không phải là tổ chức tín dụng; quan hệ giữa NYCCC với các TCHNCC cũng không phải là hoạt động thu hộ, uỷ thác, đại lý; việc cho phép thu phí công chứng bằng ngoại tệ được “bật đèn xanh” bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chứ không phải do Thủ tướng Chính phủ cho phép. Với những phân tích trên, rõ ràng quy định như trong Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP đã trái với Pháp lệnh Ngoại hối. 
Theo nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật thì phải ưu tiên áp dụng Pháp lệnh Ngoại hối, nhưng trên thực tế các TCHNCC lại ưu tiên áp dụng Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC- BTP. Điều rất vô lý là trong khi Luật Công chứng không cho phép công chứng viên công chứng các hợp đồng, giao dịch mà phương thức thanh toán bằng ngoại tệ (vì trái pháp luật) thì việc nộp phí công chứng bằng ngoại tệ của NYCCC cho TCHNCC lại được Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP cho phép.
Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Yêu cầu này cũng được thể hiện rất rõ trong Khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của VBQPPL trong hệ thống pháp luật”. Do đó, theo chúng tôi, cần sớm sửa đổi các quy định này nhằm loại bỏ sự mâu thuẫn giữa Pháp lệnh Ngoại hối và Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC- BTP. Nếu Nhà nước nhận thấy việc thu phí công chứng bằng ngoại tệ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế trong nước thì phải quy định rõ điều khoản này trong Nghị định hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy thì việc thu phí công chứng bằng ngoại tệ mới đảm bảo tính khả thi và đúng pháp luật.

2. Những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng còn bất cập, chưa nhất quán và không rõ ràng, cụ thể
Một trong những điểm đổi mới quan trọng được thể hiện trong Luật Công chứng là việc xã hội hóa HĐCC. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển mô hình Phòng công chứng do Nhà nước đầu tư, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, Luật Công chứng cũng đồng thời quy định về VPCC do các cá nhân đầu tư và thành lập. Nhằm đảm bảo cho HĐCC được diễn ra nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, Luật Công chứng có quy định cụ thể về chế độ làm việc của các TCHNCC. Theo đó, TCHNCC phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước10. Tuy nhiên, quy định này tồn tại sự bất hợp lý vì hành chính hóa các hoạt động của TCHNCC. Các phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp thì có thể quy định phải hoạt động theo ngày giờ hành chính, nhưng sẽ rất vô lý nếu như áp đặt thời giờ hành chính đối với hoạt động của VPCC vốn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Các TCHNCC là những tổ chức cung cấp dịch vụ công11 nên phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, cá nhân, tổ chức vì những lý do khác nhau không thể đến các TCHNCC để yêu cầu công chứng trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, do hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên các VPCC cũng rất chú ý đến yếu tố lợi nhuận. Yếu tố lợi nhuận bắt buộc các VPCC phải có sự cạnh tranh với nhau trong việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, trong đó có nhu cầu công chứng ngoài giờ hành chính. Quy định này không hợp lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ “xé rào”. Do đó, theo chúng tôi, chỉ nên quy định các TCHNCC có nghĩa vụ niêm yết công khai lịch làm việc tại trụ sở hành nghề là đủ. Vấn đề chế độ làm việc cụ thể thiết nghĩ nên để cho các tổ chức hành nghề công tự quyết định và nhu cầu của khách hàng sẽ là thước đo chuẩn xác nhất để các TCHNCC điều chỉnh thời gian làm việc của mình.
Ngoài việc quy định về thời gian làm việc thì Luật Công chứng cũng quy định về địa điểm công chứng. Về nguyên tắc, việc công chứng phải thực hiện tại TCHNCC. Đây là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của văn bản công chứng. Tuy nhiên, Luật Công chứng năm 2006 cho phép một số trường hợp có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề. Những trường hợp đó là: (i) NYCCC là người già yếu không thể đi lại được; (ii) người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù; (iii) có “lý do chính đáng khác” không thể đến trụ sở TCHNCC12, nhưng thế nào là “lý do chính đáng khác” thì chưa được định cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh... thì có được xem là “lý do chính đáng” để yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của TCHNCC hay không, vì những người này không phải đang bị “tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù” và cũng không thuộc diện “già yếu không đi lại được”. Theo chúng tôi, để khắc phục tình trạng “tùy nghi” trong việc vận dụng luật vào cuộc sống, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định cụ thể những trường hợp được xem là “lý do chính đáng khác” như trong trường hợp khẩn cấp, bị đe dọa tính mạng hoặc vì lý do ốm đau dài ngày mà không thể đến trụ sở, phụ nữ có thai hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh không thể đi xa được, người bị áp dụng các biện pháp hành chính khác...
Hiện nay, Luật Công chứng năm 2006 không quy định việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của VPCC nên gây ra nhiều vướng mắc trong thực tế. Như đã trình bày, VPCC có hai loại hình là doanh nghiệp tư nhân do một công chứng viên thành lập và công ty hợp danh do hai công chứng viên trở lên thành lập. Vậy vấn đề chuyển đổi giữa mô hình doanh nghiệp tư nhân thành công ty hợp danh và ngược lại được thực hiện như thế nào? Do Luật Công chứng không quy định cụ thể nên các địa phương chưa có cơ sở để giải quyết việc chuyển đổi loại hình theo yêu cầu của VPCC. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 506/BTP-HCTP ngày 24/12/2009 hướng dẫn việc chuyển đổi VPCC do một công chứng viên thành lập sang VPCC do hai công chứng viên trở lên thành lập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chỉ được thực hiện tại Hà Nội, còn tại các tỉnh và thành phố khác thì chưa được thực hiện vì Luật Công chứng không quy định13. Có thể nhận thấy, việc ban hành Công văn số 506/BTP-HCTP chỉ là giải pháp tình thế của Bộ Tư pháp nhằm “chữa cháy” cho quy định không rõ ràng trong Luật Công chứng. Về lâu dài thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ban hành quy định cụ thể hóa vấn đề này vì Công văn số 506/BTP-HCTP của Bộ Tư pháp không phải là VBQPPL nên không thể chứa các quy tắc xử sự chung, áp dụng thống nhất cho tất cả các địa phương.
Ngoài ra, trong Luật Công chứng cần khắc phục những quy định không nhất quán. Cụ thể, thời hạn trong Luật Công chứng lúc thì quy định là ngày bình thường (bao gồm cả ngày nghỉ như Khoản 4 Điều 18, Khoản 2 Điều 27…), lúc thì quy định ngày làm việc (không bao gồm ngày nghỉ như Khoản 3 Điều 18, Khoản 3 Điều 27…). Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp mà còn liên quan đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức nên cần phải được quy định cụ thể và thống nhất. Theo chúng tôi, trong trường hợp này nên quy định thời hạn tính theo ngày làm việc. Điều này là hợp lý và thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành có quy định về thời hạn như Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính… Về kỹ thuật lập pháp, trong Luật Công chứng có thể quy định trực tiếp thành một điều khoản riêng (khi sửa đổi Luật Công chứng)14 hoặc vấn đề này sẽ được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành15.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 27 Luật Công chứng quy định: “Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của VPCC”. Quy định này rõ ràng không có sự nhất quán với điểm b Khoản 5, Điều 11 Luật Công chứng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý nhà nước về công chứng là “tổ chức cấp và thu hồi giấy đăng ký hoạt động của VPCC”.
Theo quy định của pháp luật thì công chứng viên phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho NYCCC. Để hạn chế rủi ro này thì pháp luật cũng có quy định các Văn phòng công chứng có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên của mình. Tuy nhiên, một cơ chế phòng ngừa rủi ro rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống TCHNCC và cho những NYCCC thì luật lại không quy định: cơ chế chia sẻ thông tin trong HĐCC. Đơn cử, trường hợp khi đăng ký bất động sản đã thế chấp thì cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi chú vào giấy chứng nhận sở hữu mà chỉ ghi vào hồ sơ lưu tại văn phòng. Từ đó dẫn đến trường hợp một bất động sản đã thế chấp, sau đó bên thế chấp lấy lý do nhập hộ khẩu rồi mượn được giấy chứng nhận sở hữu do bên nhận thế chấp quản lý và mang ra VPCC làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng một tài sản được công chứng ở nhiều TCHNCC với những chủ thể khác nhau không phải là hiếm gặp. Để chấm dứt tình trạng trên và nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của HĐCC trong thời gian tới đây, Luật Công chứng cần bổ sung quy định bắt buộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung và chia sẻ thông tin ngăn chặn giao dịch trong HĐCC của địa phương mình, trên cơ sở đó tiến dần tới việc xây dựng mạng thông tin công chứng trên phạm vi toàn quốc.
Trên đây là vài ý kiến nhằm “gỡ rối” cho HĐCC. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến HĐCC là một vấn đề lớn, do đó, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống để HĐCC luôn đạt được mục tiêu là bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét