Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Các nguyên tắc cơ bản trong việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động đầu tư chứng khoán

Quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động đầu tư chứng khoán (ĐTCK) là một quan hệ phù hợp với xu hướng và quy luật phát triển chung của “kỷ nguyên hội nhập” và nhu cầu khách quan của các quốc gia có nền kinh tế thị trường, nên cần được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh. Điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ phát sinh từ hoạt động ĐTCK là sự tác động của pháp luật lên các quan hệ này nhằm chi phối và định hướng chúng phát triển trong một trật tự nhất định, phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc chung của thị trường chứng khoán (TTCK) cùng với sự phát triển khách quan của xã hội và ý chí của Nhà nước.
Sự cần thiết điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ từ ĐTCK còn xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế và vai trò quản lý xã hội của Nhà nước. Ngày nay, sự ổn định và phát triển của nền kinh tế một quốc gia gắn liền với vai trò tác động tích cực của Nhà nước. Cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008 có tâm điểm xuất phát từ nước Mỹ đã cho thấy, “chủ nghĩa Nhà nước điều tiết là con đường chống khủng hoảng thế giới”1. Các hoạt động liên quan đến chứng khoán và TTCK, trong đó có hoạt động ĐTCK là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế và sự vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Mặt khác, hoạt động ĐTCK là hoạt động đầu tư đặc thù liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, chính sách tiền tệ và chứa đựng nhiều rủi ro. Từ đó cho thấy, vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước trong hoạt động ĐTCK là không thể thiếu được. Nhà nước thực hiện vai trò này thông qua công cụ là pháp luật. Pháp luật phải kịp thời phản ánh, ghi nhận và điều chỉnh các quan hệ từ ĐTCK. Do tính chất đặc thù của các quan hệ phát sinh từ ĐTCK là những quan hệ phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp và luôn luôn vận động theo sự năng động và phát triển của TTCK nên việc điều chỉnh các quan hệ này bằng pháp luật cũng phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản nhất định.
Nguyên tắc cơ bản (basic principles) luôn là bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật. Theo Lê Minh Tâm, “hệ nguyên tắc của pháp luật xã hội chủ nghĩa là những nguyên lý, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, có tính chất xuất phát điểm, thể hiện tính toàn diện, linh hoạt và có ý nghĩa bao quát, quyết định nội dung và hiệu lực của pháp luật”2. Hệ nguyên tắc của pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng và áp dụng vào toàn bộ các quá trình của cơ chế điều chỉnh pháp luật như: xác lập và phát huy hiệu lực của các quy phạm pháp luật, xác lập các quyền và nghĩa vụ trong khuôn khổ mà các quy phạm pháp luật đã dự liệu và định rõ, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quan hệ pháp luật và quá trình áp dụng pháp luật. Hệ nguyên tắc cơ bản của pháp luật còn xác định tính hợp pháp và hợp lý trong xử sự của các chủ thể, tác động mạnh mẽ tới ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý và trật tự pháp luật. Các nguyên tắc pháp luật phải phản ánh sự vận động khách quan của xã hội và các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể, nhằm qua đó định hướng sự phát triển của các quan hệ này theo một trật tự nhất định.
Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường là tự do sở hữu và tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh. Hoạt động ĐTCK là hoạt động thể hiện rõ nét các đặc trưng đó. Ngoài ra, trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần đến vai trò can thiệp, quản lý và điều tiết của Nhà nước. Tuỳ thuộc vào mô hình, giai đoạn phát triển của nền kinh tế mà mức độ can thiệp của Nhà nước đến đâu và thể hiện như thế nào. Mặc dù, TTCK là thị trường bậc cao và chỉ có thể hình thành và phát triển trên nền tảng một nền kinh tế thị trường, thế nhưng để TTCK hoạt động công khai, minh bạch và công bằng thì nguyên tắc đảm bảo sự can thiệp và quản lý của Nhà nước chiếm một vị trí quan trọng. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, những nguyên tắc cơ bản đặt ra trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ĐTCK tại Việt Nam bao gồm:

1. Nguyên tắc đảm bảo quyền tự do sở hữu
Trên TTCK nói chung và trong hoạt động ĐTCK nói riêng, quyền sở hữu hầu như chi phối toàn bộ các hành vi mua bán chứng khoán của nhà đầu tư (NĐT). Do TTCK có mục tiêu là hình thành kênh huy động các nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời trong công chúng để đầu tư vào nền kinh tế, nên trong các số các NĐT trên TTCK thì NĐT cá nhân chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là tại Việt Nam. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế của nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, các nước Đông Âu… đều hướng tới mục tiêu đa thành phần, đa sở hữu của nền kinh tế. Đó cũng chính là nền tảng để hình thành một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và là cơ sở ra đời của TTCK. Thật vậy, chỉ khi các loại hình doanh nghiệp phong phú và đa dạng, trong đó có công ty cổ phần (CTCP) là một loại hình doanh nghiệp thể hiện rõ nét nhất tính chất hỗn hợp và đa dạng của các hình thức sở hữu, thì nhu cầu góp vốn và huy động vốn, nhu cầu chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu mới phát sinh và TTCK ra đời là để giải quyết nhu cầu đó. Quyền tự do sở hữu của NĐT trên TTCK cũng bao gồm đầy đủ các quyền năng cấu thành nên nội hàm của quyền sở hữu nói chung. Đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt số phận pháp lý của chứng khoán thuộc sở hữu của mình3. Biểu hiện cụ thể của các quyền năng này trong lĩnh vực ĐTCK như sau:
Quyền chiếm hữu chứng khoán là quyền nắm giữ, quản lý chứng khoán của chủ sở hữu. Việc chiếm hữu chứng khoán phải dựa trên các cơ sở hợp pháp như mua chứng khoán, góp vốn vào CTCP, được tặng, cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của pháp luật; được nhận cổ phần thưởng, được chia cổ tức theo Điều lệ CTCP và những căn cứ khác không trái với pháp luật.  Người đang sở hữu hợp pháp chứng khoán sẽ được pháp luật bảo vệ trước những hành vi xâm hại đến các quyền và lợi ích phát sinh từ việc sở hữu chứng khoán. Bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu chứng khoán là chứng chỉ chứng khoán ghi danh, giấy chứng nhận cổ đông hoặc các thông tin về cổ đông được ghi nhận trong sổ cổ đông của công ty cổ phần4.
Quyền sử dụng chứng khoán là quyền khai thác những lợi ích vật chất và tinh thần phát sinh từ chứng khoán của chủ sở hữu. Các lợi ích vật chất mà chủ sở hữu có thể khai thác từ việc nắm giữ chứng khoán là nhận cổ tức (đối với cổ phiếu), lãi suất (đối với trái phiếu), hưởng chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của chứng khoán, quyền nhận cổ phiếu thưởng… Bên cạnh đó, người sở hữu chứng khoán cũng có một số lợi ích phi tài sản (tinh thần) như quyền ứng cử, bầu cử và tham dự Đại hội đồng cổ đông trong CTCP, được cung cấp thông tin…
Quyền định đoạt chứng khoán là quyền quyết định số phận thực tế và số phận pháp lý của tài sản5. Theo Điều 195, Bộ luật Dân sự 2005, thì “quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”. Trong hoạt động ĐTCK có thể xem quyền định đoạt đối với chứng khoán là quyền của chủ sở hữu được chuyển nhượng chúng cho người khác dưới các hình thức bán, tặng, cho hoặc thừa kế… và kể cả quyền từ bỏ chúng. Việc định đoạt chứng khoán có thể được thực hiện bởi chính chủ sở hữu hoặc người khác thông qua ủy quyền và phải tuân thủ điều kiện, trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Ví dụ, chủ sở hữu muốn bán chứng khoán đã niêm yết của mình phải mở tài khoản và lưu ký tập trung, sau đó phải tiến hành đặt lệnh thông qua CTCK và hệ thống giao dịch sẽ tự động so khớp các lệnh giao dịch để cho ra kết quả giao dịch. Quyền định đoạt chứng khoán là một quyền năng quan trọng nhất, nó là cơ sở để hình thành hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường.
Những phân tích ở trên cho thấy, để hoạt động ĐTCK thông suốt và sôi động, trước hết phải đảm bảo quyền sở hữu cho các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm tổ chức và cá nhân. Việc thể chế hoá các quyền năng (nội dung) của quyền sở hữu là khác nhau trong những thời kỳ khác nhau và ở từng quốc gia khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

2. Nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ và tự do trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được pháp luật tôn trọng và bảo vệ6. Nội hàm của quyền tự do kinh doanh đã được Luật Doanh nghiệp 2005 quy định khá rõ. Đó là quyền được “thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”7. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của quyền tự do kinh doanh có nội hàm rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế của một quốc gia. Theo Bùi Ngọc Cường, nội dung của quyền tự do kinh doanh bao gồm: quyền được đảm bảo sở hữu đối với tài sản; quyền tự do thành lập doanh nghiệp; quyền tự do hợp đồng; quyền tự do cạnh tranh theo pháp luật và quyền tự định đoạt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp8. Trên TTCK, việc thực hiện đồng bộ và đầy đủ các quyền tự do kinh doanh sẽ là cơ sở để TTCK vận hành và phát triển, qua đó, hoạt động ĐTCK sẽ trở nên sôi động và hiệu quả hơn. Về phía các doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh là căn cứ cơ bản để các doanh nghiệp quyết định lựa chọn hình thức huy động và sử dụng vốn, trong đó có việc phát hành chứng khoán để tài trợ cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Việc phát hành chứng khoán của doanh nghiệp cung cấp cho TTCK có thêm những hàng hoá phong phú và đa dạng, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các NĐT. Về phía NĐT, quyền tự do kinh doanh là cơ sở để các NĐT, đặc biệt là các NĐT tổ chức (kể cả các định chế đầu tư chuyên nghiệp và các doanh nghiệp tham gia đầu tư không thường xuyên) có thể bỏ vốn ra để ĐTCK nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Khi đó, chứng khoán đã trở thành một trong những sự lựa chọn trong quá trình kinh doanh của họ bên cạnh những cơ hội khác. Mặt khác, nhờ có sự thừa nhận và bảo hộ quyền tự do kinh doanh đối với doanh nghiệp, NĐT trên TTCK mà các định chế trung gian như công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ) được thành lập để cung cấp các dịch vụ như môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư, quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư… qua đó, có thể thu được những khoản lợi nhuận đáng kể.
Như vậy, suy cho cùng, quyền tự do kinh doanh trên TTCK chính là sự đảm bảo cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư của các chủ thể trên thị trường từ phía Nhà nước. Quyền tự do kinh doanh được pháp luật tôn trọng và bảo vệ vì nếu không có sự đảm bảo này thì bản thân các giao dịch chứng khoán, đặc biệt là các giao dịch trên thị trường thứ cấp khó có thể tồn tại và phát triển. Luật Chứng khoán 2006 đã ghi nhận nguyên tắc “Tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhân”9 như là một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức và vận hành TTCK tại Việt Nam.

3. Nguyên tắc tự do cạnh tranh
Tự do cạnh tranh với tư cách là một quy luật vận động của nền kinh tế thị trường, vì vậy nguyên tắc tự do cạnh tranh phải được bảo đảm thực hiện trong các giao dịch trên TTCK. Tự do cạnh tranh trong ĐTCK giúp cho nguồn vốn đưa vào nền kinh tế được sử dụng với hiệu suất cao nhất, đồng thời chứng khoán được giao dịch cũng phải có sự lựa chọn tốt nhất. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp huy động vốn thông qua chào bán chứng khoán. Để có vốn kịp thời nhằm triển khai các dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau để thu hút NĐT về điều kiện phát hành, về tính hấp dẫn của chứng khoán phát hành và cuối cùng là về hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Nhờ có sự cạnh tranh này mà NĐT có thêm nhiều sự lựa chọn về chủng loại chứng khoán, về doanh nghiệp và lĩnh vực ngành nghề để đầu tư.
Tự do cạnh tranh dưới góc nhìn của hoạt động giao dịch chứng khoán thể hiện ở chỗ, nguyên tắc khớp lệnh trên thị trường tập trung là dựa trên sự ưu tiên về giá và ưu tiên về thời gian. Ưu tiên về giá (hay còn gọi là nguyên tắc đấu giá) là nguyên tắc mà theo đó, đối với cùng một loại chứng khoán, nếu có nhiều lệnh mua hoặc nhiều lệnh bán thì lệnh mua nào có mức giá cao hơn hoặc lệnh bán nào có mức giá thấp hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Trường hợp có nhiều lệnh cùng mua hoặc cùng bán một loại chứng khoán ở cùng mức giá thì lệnh nào nhập vào hệ thống sớm hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước10. Ngoài ra, nguyên tắc tự do cạnh tranh giữa các NĐT còn biểu hiện trong việc xét trúng thầu khi họ tham gia đấu giá cổ phần trên thị trường sơ cấp. Người được trúng thầu sẽ là người đặt mức giá mua cao nhất và nếu lượng cổ phần vẫn còn thì sẽ được phân bổ cho người đặt giá cao liền kề tiếp theo11. Bên cạnh đó, trên thị trường quy định nhiều hình thức đặt lệnh (đặt lệnh trực tiếp tại sàn giao dịch của CTCK, đặt lệnh qua điện thoại, đặt lệnh từ xa qua mạng Internet hoặc đặt lệnh qua tin nhắn SMS) và nhiều loại lệnh với những tính chất và ưu tiên khác nhau (lệnh giới hạn; lệnh khớp ở mức giá mở cửa, đóng cửa; lệnh hủy) đã tạo ra nhiều công cụ giúp các NĐT có thể sử dụng trong hoạt động giao dịch chứng khoán.
Nguyên tắc cạnh tranh được thể hiện rõ nét nhất là trong hoạt động của các CTCK nhằm thu hút khách hàng, nâng cao thị phần và hiệu quả kinh doanh. Sự cạnh tranh này thường diễn ra khá gay gắt, đặc biệt thông qua việc giảm mức phí giao dịch12, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiện ích cho các giao dịch chứng khoán.
Trên phương diện quản lý, vấn đề cạnh tranh được đưa ra như một nguyên tắc hoạt động thị trường, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các chủ thể có nhu cầu tham gia hoạt động ĐTCK được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Nhờ có cạnh tranh mà chất lượng hàng hoá (các loại chứng khoán) và các dịch vụ trên thị trường sẽ tốt hơn, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn. Đó là những yếu tố cần thiết để TTCK hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chức năng là kênh huy động vốn và đầu tư của mình. Vấn đề cạnh tranh được xem xét với tư cách là một nguyên tắc pháp lý cho hoạt động ĐTCK không chỉ ở khung pháp lý của một quốc gia đơn lẻ nào, mà nó là một yêu cầu chung mang tính chất bắt buộc, được thể chế hóa trong rất nhiều các quy định cụ thể.

4. Nguyên tắc nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư chứng khoán
Như chúng ta đã biết, hoạt động ĐTCK đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực đó, hoạt động giao dịch chứng khoán cũng kèm theo những mặt trái của nó. Đó là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các giao dịch không công bằng, tung tin đồn thất thiệt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền…. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch chứng khoán phải dựa trên những cơ sở pháp lý rõ ràng và trong một môi trường lành mạnh, công bằng và đồng thời phải đảm bảo được tính thông suốt. Hoạt động giao dịch chứng khoán thông suốt, lành mạnh và hiệu quả là điều kiện tiên quyết để TTCK tồn tại và phát triển, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, tạo động lực phát triển đất nước. Để thực hiện được điều đó thì vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước là quyết định.
Lịch sử hình thành và phát triển của TTCK thế giới cũng đã cho thấy nhiều bài học quản lý khi nới lỏng sự can thiệp của Nhà nước tới TTCK. Từ đầu những năm 80, thế giới đã chứng kiến xu hướng gia tăng sự chuyển đổi nhanh chóng từ cơ chế kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường. TTCK được nhanh chóng hình thành và mang đặc tính chung ở những quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi. Nhưng cũng chính sự phát triển mạnh mẽ đã dẫn đến sự cần thiết tăng cường tính an toàn và hiệu quả của hệ thống TTCK và yêu cầu cần phải quản lý chặt chẽ các hoạt động của nó. Việc quản lý TTCK, đặc biệt là các giao dịch chứng khoán là một yêu cầu tất yếu. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Những nguyên tắc pháp lý nền tảng, các đạo luật đơn hành, các quy định, cùng với năng lực và thái độ nghiêm túc của các cơ quan chính phủ và tổ chức tự quản trong việc thực thi các quy định pháp luật sẽ tác động tới sự hình thành và phát triển thị trường”13.
Ngay từ giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức sâu sắc vai trò của nguồn tài chính trong nước và nhu cầu phát triển một thị TTCK hoạt động hiệu quả. Ông Lê Văn Châu - vị Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đầu tiên - nhận định rằng, “việc chuẩn bị ra đời của TTCK Việt Nam là cả quá trình chuyển biến từ nhận thức đến việc hoạch định chính sách trong công cuộc cải cách kinh tế”14. Để đạt được mục tiêu hình thành và phát triển TTCK, Nhà nước đã tạo ra những tiền đề cần thiết, những bảo đảm vật chất và đảm bảo pháp lý cho TTCK được hình thành và phát triển. Chính phủ đã phải hoàn tất rất nhiều việc như tạo hàng hoá cho thị trường, hình thành khung pháp lý để thị trường hoạt động, thành lập cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, điều hành thị trường, NĐT… Rõ ràng, chỉ có Nhà nước với những nguồn lực tài chính dồi dào, quyền lực duy nhất cùng với hệ thống pháp luật mới có thể cho ra đời một định chế bậc cao của nền kinh tế thị trường. 
Thực tế hoạt động hơn mười năm qua của TTCK Việt Nam cho thấy, vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường là rất quan trọng. Do đó, sự can thiệp của Nhà nước không chỉ đơn thuần xem xét dưới góc độ vai trò của Nhà nước mà đây chính là nguyên tắc đặc thù của khung pháp lý cho hoạt động TTCK nói chung và hoạt động ĐTCK nói riêng.

5. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư
Có thể nói, TTCK tồn tại được là nhờ hoạt động đầu tư dưới hình thức mua bán chứng khoán của các tổ chức, cá nhân. Các quan hệ phát sinh trong hoạt động ĐTCK là một dạng quan hệ pháp luật đặc biệt vì được pháp luật về chứng khoán và TTCK điều chỉnh. Do vậy, NĐT tham gia quan hệ này với tư cách là chủ thể độc lập được pháp luật quy định có những quyền, lợi ích và nghĩa vụ nhất định. Các quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT rất đa dạng tùy thuộc vào loại chứng khoán mà họ nắm giữ như quyền được sở hữu chứng khoán, quyền phát sinh từ tư cách sở hữu chứng khoán (ví dụ, nắm giữ cổ phiếu NĐT có tư cách của đồng chủ sở hữu trong CTCP, nắm giữ trái phiếu NĐT có tư cách của một chủ nợ trong mối quan hệ với tổ chức phát hành), quyền được cung cấp thông tin, quyền tham gia giao dịch chứng khoán… Bên cạnh các quyền nêu trên, NĐT còn được hưởng các lợi ích do việc nắm giữ chứng khoán mang lại như: hưởng cổ tức, lãi suất, hưởng chênh lệch giá, hưởng các dịch vụ phụ trợ trên thị trường… Như vậy, khi NĐT tham gia ĐTCK thì mục đích cơ bản nhất là được hưởng các quyền và lợi ích nêu trên. Cho nên, nếu các quyền và lợi ích hợp pháp không được pháp luật bảo vệ hoặc thiếu cơ chế để họ tự bảo vệ thì động cơ đầu tư của họ sẽ không còn. Từ đó, các NĐT sẽ mất niềm tin và sẽ chọn các kênh đầu tư khác. Điều đó cũng có nghĩa là, một TTCK chỉ có thể đứng vững khi có lòng tin nơi các NĐT và thị trường bị lệ thuộc vào lòng tin ấy. Đối với NĐT, vấn đề quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh từ hoạt động ĐTCK là rất quan trọng. Đó chính là niềm tin và sự kỳ vọng trước khi họ đầu tư. Mặt khác, các NĐT cần có sự bảo vệ từ phía Nhà nước và pháp luật là những NĐT không chuyên nghiệp chiếm đa số trên thị trường. Chính họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do các hành vi vi phạm của các chủ thể khác như tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, CTCK, nhà NĐT chuyên nghiệp… do trình độ chuyên môn và sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Do vậy mà pháp luật điều chỉnh hoạt động ĐTCK mới có những quy định cấm một số hành vi như mua bán nội gián, lũng đoạn thị trường, công bố thông tin sai sự thật15… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Các phân tích trên đây cho thấy, việc pháp luật ghi nhận và có các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các NĐT là một trong những điều kiện tiên quyết để TTCK tồn tại và phát triển. Chỉ khi các quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT được pháp luật bảo vệ thì TTCK mới thu hút những nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển đất nước.

6. Nguyên tắc đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán được công khai và thông qua trung gian
Bản thân TTCK là một thị trường bậc cao và các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán diễn ra tại đây là những giao dịch đặc thù. Tính bậc cao của TTCK, theo chúng tôi được xuất phát từ tính chất, đặc trưng của chứng khoán16 với tư cách là đối tượng giao dịch, công cụ đầu tư trên thị trường thể hiện trên các phương diện sau đây:
Một là, về mặt hình thức, chứng khoán có thể tồn tại dưới hình thức chứng chỉ vật chất, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử;
Hai là, về mặt nội dung, chứng khoán xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chúng đối với tài sản hoặc vốn của tổ chức phát hành. Các quyền và lợi ích hợp pháp đó rất phong phú và đa dạng, phụ thuộc vào loại chứng khoán phát hành;
Ba là, chứng khoán có tính giá trị. Giá trị của chứng khoán có thể tồn tại dưới các hình thức như: mệnh giá17 (par value), giá trị sổ sách18 (book value) và giá trị thị trường19 (market value). Một trong những điểm cần lưu ý là giá thị trường của chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu rất dễ biến động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình giao dịch trên TTCK, yếu tố tâm lý và đặc biệt là các thông tin được công bố về cổ phiếu đó. Thông tin tốt sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng, ngược lại có thể làm cho giá cổ phiếu giảm xuống.
Bốn là, chứng khoán có tính thanh khoản. Do chứng khoán là công cụ để đầu tư và không có chức năng tiêu dùng như hàng hoá thông thường nên khả năng chuyển đổi chúng thành tiền và ngược lại (tính thanh khoản) rất cao. Nhờ vậy mà hoạt động đầu tư có thể được tiến hành dễ dàng và sôi động.
Chính những đặc trưng nêu trên mà chứng khoán được xem là là một loại hàng hoá đặc biệt. Từ đó, cơ chế giao dịch chứng khoán là quan trọng trong hoạt động đầu tư chứng khoán cũng được thực hiện theo những quy trình chặt chẽ và TTCK, nơi diễn ra các hoạt động đó cũng được tổ chức, quản lý và vận hành theo những nguyên tắc riêng của nó. Đó là nguyên tắc công khai và nguyên tắc trung gian.
Nguyên tắc công khai (principle of publicity) là nguyên tắc đặt ra yêu cầu cho các tổ chức phát hành, công ty niêm yết phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) và chế độ báo cáo theo quy định. Các thông tin mà các chủ thể này có nghĩa vụ công bố trên thị trường là những thông tin có tác động đến tình hình giao dịch chứng khoán như thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông tin về tình hình tài chính, về các sự kiện quan trọng như trả cổ tức, họp Đại hội đồng cổ đông… Trên cơ sở các thông tin này, NĐT sẽ tiến hành phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định mua hoặc bán một loại chứng khoán nhất định. Ngoài các chủ thể nêu trên, pháp luật một số nước, trong đó có Việt Nam còn quy định nghĩa vụ của các chủ thể khác như: QĐTCK, CTQLQ, các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ khi tham gia giao dịch trên thị trường nhằm giúp cho các hoạt động trên TTCK được công khai và minh bạch. 
Tính chính xác trong hoạt động CBTT giúp cho các quyết định đầu tư của NĐT được chuẩn xác, dựa trên nền tảng xác thực của thông tin, qua đó sẽ tăng tính hiệu quả trong ĐTCK, hạn chế được các rủi ro. Việc CBTT kịp thời giúp cho các quyết định đầu tư được đưa ra một cách nhanh chóng nhằm hỗ trợ NĐT có được những cơ hội đầu tư kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ. Tính dễ tiếp cận của thông tin đòi hỏi chúng phải được công bố trên các phương tiện thông tin mà công chúng đầu tư ai cũng có thể tiếp cận được, nội dung thông tin công bố phải rõ ràng, không mập mờ và đa nghĩa. Mục đích của nguyên tắc công khai thông tin là tạo ra môi trường đầu tư chứng khoán minh bạch, lành mạnh và công bằng, đồng thời cũng để bảo vệ các quyền và lợi ích của NĐT. Nguyên tắc công khai thông tin được pháp luật quy định20 và cụ thể hoá trong nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động ĐTCK21. Các hành vi đi ngược lại nguyên tắc này đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp theo là nguyên tắc trung gian (principles of intermediate). Đây cũng là nguyên tắc đặc trưng cho TTCK. Theo nguyên tắc này, NĐT không mua bán chứng khoán trực tiếp với nhau mà phải thông qua các nhà môi giới, các CTCK trung gian nhằm mục đích tạo ra một cơ chế bảo vệ NĐT, tránh trường hợp họ có thể bị lừa đảo. Mặt khác, nguyên tắc này giúp các hoạt động mua bán chứng khoán được trôi chảy, chuyên nghiệp từ khâu bắt đầu đặt lệnh giao dịch đến khâu thanh toán và chuyển giao chứng khoán. Cũng theo nguyên tắc này, nhà môi giới (broker) có vai trò hết sức quan trọng trong giao dịch chứng khoán. Về mặt pháp lý, môi giới là hoạt động trung gian hoặc đại diện mua, bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng. Ngoài ra, nhà môi giới không những chỉ đại diện cho khách hàng tìm mua, tìm bán chứng khoán mà quan trọng hơn còn nhằm kiểm tra khả năng thanh toán của các khách hàng (bên mua có đủ tiền, bên bán có đủ chứng khoán không, và các vấn đề khác). Ngoài ra, việc mua bán chứng khoán qua trung gian là các nhà môi giới, các CTCK còn có tác dụng giảm thiểu chi phí giao dịch và tìm kiếm thông tin, được hưởng dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tăng chất lượng và hiệu quả các dịch vụ trên thị trường nhờ cạnh tranh22
Nguyên tắc công bằng (equitable principles) là một nguyên tắc hiện diện ở hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới, pháp luật về chứng khoán và TTCK cũng không phải là một ngoại lệ. Theo nguyên tắc này, tất cả mọi chủ thể trên TTCK đều phải được đối xử một cách công bằng. Nghĩa là cơ hội kinh doanh và tiếp cận thông tin trên TTCK là như nhau đối với mọi chủ thể, các NĐT (kể cả tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài); quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đều được pháp luật bảo vệ như nhau; bất kỳ chủ thể nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý một cách công minh. Nguyên tắc công bằng giúp cho TTCK hoạt động lành mạnh, công bằng và đúng pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, trên đây là tập hợp các nguyên tắc cơ bản cần phải được sử dụng trong việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động ĐTCK. Sự vận động không ngừng và phát triển của các quan hệ phát sinh từ ĐTCK cần phải được pháp luật kịp thời ghi nhận và điều chỉnh nhằm đảm bảo đúng định hướng xây dựng và phát triển TTCK tại Việt Nam là họat động hiệu quả, thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các NĐT, lợi ích của Nhà nước và các chủ thể khác có lien quan. Có vậy, TTCK Việt Nam mới thật sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
(1) Chủ nghĩa Nhà nước điều tiết được đại diện bởi các nhà kinh tế khác nhau như Các Mác, Lê-nin, J.M. Kyenes…chủ trương nhà nước tham gia điều tiết nền kinh tế thông qua các công cụ kinh tế vĩ mô như kế hoạch, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ…Lý thuyết này đã góp phần điều tiết nền kinh tế của các nước thoát khỏi nhiều cuộc khủng hoảng. Xem: Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Văn Trình (2008), “Chủ nghĩa tự do kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu – những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam”, Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 159-167.
(2) Lê Minh Tâm (2004), Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 348.
(3) Về nội dung của quyền sở hữu, xem: Lê Đình Nghị, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr. 187-194.
(4) Theo quy định hiện hành, khi một công ty cổ phần đã niêm yết trên TTCK thì chứng chỉ vật chất của cổ phiếu sẽ được hủy bỏ để chuyển sang dữ liệu điện tử và sổ cổ đông cũng sẽ chuyển sang dạng dữ liệu điện tử do Trung tâm lưu ký quản lý.
(5) Xem: Trường Đại học luật hà Nội (2008), Giáo trình Luật dân sự, tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 210.
(6) Lê Vũ Nam, Lê Hà Diễm Châu (2008), “Phá sản công ty niêm yết và một số vấn đề phát sinh”, Chứng khoán Việt Nam, (10), tr. 6-10.
(7) Khoản 2, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005.
(8) Bùi Ngọc Cường (2001), Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 16.
(9) Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2006.
(10) Chi tiết về nguyên tắc khớp lệnh, xem: Điều 7, Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 124/QD-SGDHCM của Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ngày 09/10/2007.
(11) Lê Vũ Nam (2009), Đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán, Giáo án điện tử Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
(12) Có nhiều trường hợp công ty ck không thu phí giao dịch, xem Chứng khoán APEC miễn phí giao dịch tại hà Nội
(13) Công ty tài chính IFC (1996), Báo cáo thị trường và quản lý thị trường
(14) Lê Văn Châu (2010): Thị trường chứng khoán Việt Nam: quá trình chuyển biến từ nhận thức tới hành động”, kỷ yếu 10 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, UBCK Nhà nước, NXB Tài chính,Hà Nội, tr 7-18.
(15) Chi tiết xem Điều 9, Luật Chứng khoán 2006.
(16) Về những đặc trưng của chứng khoán, xem: Агарков М.М. Основы банковского права. Учение о ценных бумагах – Мосва.; Издательство Б Е К, 1994, стр. 173-188.
(17) Mệnh giá là giá trị được ghi trên bề mặt của chứng khoán lúc phát hành. Đối với cổ phiếu, mệnh giá cổ phiếu là tổng giá trị mệnh giá của cổ phần mà tờ cổ phiếu đó xác nhận. Mệnh giá một cổ phần là phần chia nhỏ bằng nhau từ vốn Điều lệ của công ty cổ phần.
(18) Giá trị số sách của chứng khoán là giá trị chứng khoán được tính toán căn cứ vào giá trị tài sản của tổ chức phát hành trong báo cáo tài chính tại thời điểm tính toán. Ví dụ, giá trị sổ sách của một cổ phiếu được tính bằng công thức sau:  Giá trị sổ sách / cổ phiếu = {Tổng tài sản của CTCP – Tài sản vô hình – Công nợ } / Số lượng cổ phiếu phát hành, xem: http://www.vietcurrency.com/discussion/archive/index.php/t-666.html .
(19) Gía trị thị trường của chứng khoán là mức giá được hình thành từ kết quả giao dịch trên thị trường và do cung cầu quyết định. Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán người ta thường áp dụng một số phương pháp tính giá trị chứng khoán để làm cơ sở cho quyết định đầu tư của mình. Các phương pháp đó bao gồm: phương pháp chiết khầu dòng tiền (Phương pháp chiết khấu dòng tiền có nguyên lý cơ bản: giá trị một tài sản phải bằng với những gì nhận được từ tài sản đó trong tương lai. Có nghĩa là chúng ta phải dự đoán tài sản đó tạo ra được dòng tiền bao nhiêu trong tương lai. Vì doanh nghiệp luôn được kỳ vọng sẽ tồn tại mãi mãi, hay ít ra cũng không thể xác định thời điểm doanh nghiệp sẽ đóng cửa, nên dòng tiền này được dự tính cho đến vĩnh viễn); phương pháp so sánh (Xác định giá bằng phương pháp so sánh dễ dàng hơn chiết khấu nhiều. Nguyên tắc cơ bản là xác định một hệ số có thể phản ánh tính đắt/rẻ của cổ phiếu, sau đó dùng hệ số bình quân của ngành hoặc doanh nghiệp có nhiều điểm tương đồng để áp vào doanh nghiệp cần định giá và làm một phép tính nhân đơn giản với chỉ tiêu tương ứng để tìm ra giá cổ phiếu. Thông dụng nhất là hệ số P/E ngành x EPS (thị giá/giá trị lợi nhuận của cổ phiếu), ngoài ra còn có P/BV (giá/giá trị sổ sách cổ phần), P/S (thị giá/doanh số). Phương pháp này so sánh doanh nghiệp cần định giá với các doanh nghiệp tương tự với bình quân ngành, nên chứa đựng nhiều yếu tố tâm lý thị trường) và một số phương pháp khác. Xem tại: http://www.vse.vn/phan_tich_co_ban/661-dinh_gia_co_phieu.html.
(20) Xem Khoản 2, Điều 4, Luật Chứng khoán 2006.
(21) Ví dụ như Thông tư 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (tiếp theo gọi là Thông tư 09/2010/TT-BTC).
(22) Bùi Thị Thanh Hương (2009), Giáo trình Môi giới và Tư vấn đầu tư chứng khoán, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán, NXB Thống kê, Hà Nội, tr. 30-34.
     
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét