Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

10 thương hiệu lớn tại VN

Công ty nghiên cứu thị trường Customer Insights vừa thực hiện cuộc nghiên cứu cho kết quả 10 thương hiệu thành công nhất tại Việt Nam. Cuộc nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố lớn đóng góp cho sự thành công của việc xây dựng nhãn hiệu ở Việt Nam.
10 thương hiệu mạnh nhất của 10 ngành hàng hầu hết là các nhãn hiệu ngoại gồm Nokia, Kinh Đô, Dutch Lady, Appenliebe, CoolAir, DoubleMint, Panadol, Prudential, Coca-cola và Sony. Chỉ có một nhãn hiệu Việt Nam là snack Kinh Đô lọt vào danh sách này.
Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra 10 nhãn hiệu nội địa mạnh và có tiềm năng phát triển nhất trong tương lai. Kinh Đô dẫn đầu danh sách các nhãn hàng này, kế đến là Bia Hà Nội, Flex, Vinamit, Sachi, Milk (Vinamilk), Sá xị, Bia 333, Bảo Việt và Jak.
Đằng sau những cái tên nêu trên là chiến lược xây dựng thương hiệu khôn ngoan của những người làm marketing. Trong đó, có 4 yếu tố cơ bản dẫn đến sự thành công của nhãn hiệu gồm: các điều kiện kinh doanh vững chắc, sản phẩm tuyệt hảo, sự khác biệt của nhãn hiệu và tính dẫn đầu.
Kinh Đô chính là một ví dụ điển hình về xây dựng nhãn hiệu thành công dựa trên các điều kiện kinh doanh cơ bản vững chắc, trong đó phải kể đến hệ thống phân phối chuyên nghiệp, phù hợp với từng nơi.
Mức độ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự trung thành của khách hàng đối với nhãn hiệu. Nokia đã đứng đầu về tiêu chí này do sản phẩm di động của hãng đảm bảo được chất lượng âm thanh và độ bền qua cả một chặng đường dài phát triển tại VN.
Một nhãn hiệu chỉ được xem là thành công khi đạt được tính rõ ràng, tức là “đại diện cho một cái gì đó". Nhãn hiệu phải gợi lên sự liên tưởng một cách rõ ràng và phù hợp với ngành hàng. Dutch Lady đã gặt hái thành công thông qua kiên trì sử dụng thông điệp "Sẵn sàng một sức sống", thể hiện đầy đủ qua các sản phẩm từ Yo-Most đến Calcimex và Fristi. Đối với Heineken, ấn tượng về một nhãn hiệu bia cao cấp và luôn tạo sự khát khao đã được thể hiện nhất quán qua tất cả các mẫu quảng cáo của Heineken.
Yếu tố cuối cùng để nhãn hiệu phát triển và duy trì sự thành công là phải xây dựng chiến lược dẫn đầu, có thể đạt được thông qua 2 cách: cải tiến sản phẩm và tầm nhìn chiến lược đối với nhãn hiệu. Một lần nữa, Dutch Lady ứng dụng rất tốt chiến lược này. Họ đi đầu trong cải tiến sản phẩm và cải tiến truyền thông marketing làm gia tăng giá trị nhãn hiệu.
Giải thích sự chưa thành công của các nhãn hiệu nội địa, cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng các nhãn hiệu nội địa hầu như chỉ tập trung vào lợi thế về giá cả và các khuyến mại. Để bảo đảm một tương lai thành công lâu dài, các nhãn hiệu này cần tập trung đầu tư vào xây dựng mối liên hệ sâu rộng với người tiêu dùng.
Ông Richard Burrage, Giám đốc điều hành Customer Insights, cho biết:
Cuộc nghiên cứu được tiến hành với 4.000 người tiêu dùng, trong độ tuổi 18-64, thực hiện tại TP HCM và Hà Nội.
Kết quả chỉ ra được những điểm mạnh và điểm yếu của nhãn hiệu so với đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành hàng. Nó cũng chỉ ra những nhãn hiệu này nên làm gì để tiếp tục phát triển. Chúng tôi chỉ nêu ra thực trạng hiện tại và dự báo cơ hội phát triển cho các nhãn hiệu trong từng ngành hàng cụ thể.
Phần còn lại là các chuyên viên marketing của họ cần nắm bắt các cơ hội đó và triển khai kế hoạch hành động cụ thể sau khi họ đã biết họ là ai, họ muốn gì và đối thủ cạnh tranh của họ như thế nào. Họ có thể sẽ tiếp tục dẫn đầu nếu họ có cơ sở hiểu thị trường và tận dụng nội lực của mình để duy trì thế mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét