Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Phong toả tài khoản thi hành án có nên giới hạn thời gian hay không?

Từ những khó khăn trong việc phong toả tài khoản của đuơng sự để đảm bảo Thi hành án (THA), một số ý kiến cho rằng không nên giới hạn thời gian phong toả tài khoản khi chưa THA xong.
Thi hành… không biết đúng hay sai?
Tại bản án số 01  ngày 28/1/2011 của TAND quận X (Hà Nội) xét xử tranh chấp hợp đồng thuê mua bán giữa nguyên đơn là Công ty TNHH đầu tư - xây dựng (Cty Đ) với Cty cổ phần đầu tư và xây lắp (Cty C). Theo án tuyên, Cty C phải trả Cty Đ số tiền 220 triệu đồng cả gốc và lãi. Tháng 4/2011, Cty Đ có đơn yêu cầu gửi đến Chi cục THA quận yêu cầu thi hành khoản tiền nói trên.
Trong quá trình THA, cơ quan THA đã xác định tài khoản của Cty C có số tiền 300 triệu đồng. Chấp hành viên đã tiến hành phong tỏa tài khoản để khấu trừ với số tiền nêu trên. Tuy nhiên, khi làm việc với ngân hàng, chấp hành viên gặp nhiều khó khăn với lý do lãnh đạo ngân hàng đi vắng, phải chờ xin ý kiến.
Nhưng, khi “xin được ý kiến” của lãnh đạo ngân hàng, chấp hành viên tống đạt quyết định phong tỏa tài khoản thì số tiền 300 triệu đã “biến mất”, buộc chấp hành viên phải duy trì quyết định phong tỏa tài khoản (chiều ra). Sau 20 ngày, tài khoản của Cty C đã có số tiền 450 triệu đồng, khi đó việc thực hiện nghĩa vụ của Cty C mới hoàn tất, chấp hành viên làm thủ tục chấm dứt phong tỏa tài khoản.
Bản án đã thi hành xong, tuy nhiên, ngay chính bản thân cơ quan THA này vẫn “lăn tăn” vì không biết việc tiếp tục duy trì quyết định phong tỏa tài khoản 20 ngày tiếp theo có vi phạm pháp luật không? Nếu có vi phạm thì xử lý thế nào?
Theo Chi cục trưởng THADS Thanh Xuân (Hà Nội) Nguyễn Song Hà thì sẽ không thể thực hiện việc phong tỏa, khấu trừ, chấm dứt phong tỏa tài khoản bởi lẽ cứ khi có quyết định phong tỏa tài khoản thì tiền sẽ không về. Chỉ khi chấm dứt phong tỏa thì tiền mới về tài khoản của người phải THA.
“Mắc” ở thời gian?
Quy định về phong tỏa tài khoản theo Luật THADS đã tạo nhiều điều kiện cho chấp hành viên trong THA. Tuy nhiên, cũng theo ông Hà, quy định về phong tỏa tài khoản cũng có nhiều cách hiểu dẫn đến mỗi nơi áp dụng một kiểu khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, phong tỏa tài khoản là phong tỏa toàn bộ tài khoản (cả chiều vào và chiều ra). Tuy nhiên, quan điểm này không thỏa đáng vì chỉ được áp dụng khi tài khoản có đủ tiền cần khấu trừ, bất hợp lý đối với tài khoản chưa có đủ tiền.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khi phong tỏa tài khoản chấp hành viên chỉ phong tỏa chiều ra, có như vậy lượng tiền vào tài khoản vẫn hoạt động bình thường mới đủ điều kiện để khấu trừ số lượng tiền để THA. Chỉ khi việc khấu trừ tiền THA đã đủ, đã xong mới chấm dứt phong tỏa, quan điểm này có tính khả thi hơn.
Quan điểm thứ ba thì phân vân vì nên hiểu thế nào với khoản 3 điều 67 Luật THADS về phong tỏa tài khoản? Nếu cứ phong tỏa mà sau 5 ngày làm việc chấp hành viên chưa thu được tiền trong tài khoản thì có được chấm dứt phong tỏa tài khoản hay không.
Trong thực tiễn, khi chấp hành viên phong tỏa tài khoản thì gặp nhiều khó khăn như tài khoản chưa có tiền, hoặc chưa đủ tiền. Ngân hàng cũng luôn nại lý do “bảo vệ” khách hàng của mình mà thiếu hợp tác với cơ quan THA. Do đó, khi phong tỏa tài khoản đã quá 5 ngày làm việc thì chưa thể khấu trừ, chưa thể chấm dứt phong tỏa.
Các cơ quan THA đề nghị cần có hướng dẫn đối với quy định nói trên. Đồng thời quy định cụ thể chế tài của cơ quan quản lý tài khoản nếu không thực hiện quyết định của chấp hành viên hoặc cố tình tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản.
Còn theo ông Nguyễn Song Hà thì không nên giới hạn thời gian phong tỏa tài khoản khi chưa THA song.
1. Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.
2. Khi tiến hành phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.
Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này.
(Điều 67 Luật THADS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét