Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Hoàn thiện các quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt và án treo (Kỳ 1)

Căn cứ Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 433/NQ-UBTVQH13 ngày 30/12/2011 về việc thành lập Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự- BLHS (sửa đổi). Điểm 1.2 tiểu mục 1 Phần IV - Định hướng cơ bản sửa đổi BLHS  trong Đề cương định hướng sửa đổi, bổ sung BLHS số 7724/ĐC-BSTBLHS(SĐ) ngày 24/9/2012 của Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) có nêu:"Sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan đến các chế định loại trừ TNHS, miễn TNHS, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích...". Gần đây nhất, ngày 10/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành BLHS năm 1999". Để góp ý kiến cho công tác này, chúng tôi phân tích thực trạng các quy định của BLHS về bốn chế định: miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt và án treo, trên cơ sở tổng kết những tri thức khoa học luật hình sự, thực tiễn áp dụng và kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước để đúc kết thành những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung BLHS trước yêu cầu mới.  
1. Miễn trách nhiệm hình sự
1.1. Hậu quả của việc áp dụng chế định miễn TNHS. Căn cứ vào các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành cho thấy, về cơ bản, người được miễn TNHS không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội như: họ (có thể) không bị truy cứu TNHS, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác và không bị coi là có án tích... Theo đó, người được miễn TNHS không phải chịu bất kỳ hậu quả gì dưới góc độ pháp lý hình sự hay tính cưỡng chế (trấn áp) về mặt hình sự của chế định miễn TNHS khi áp dụng đối với người phạm tội là không có. Người này chỉ phải chịu sự cưỡng chế của các ngành luật khác và sự lên án của xã hội thể hiện trên ba phương diện:
Phương diện xã hội, người được miễn TNHS bị Nhà nước, xã hội và công luận (thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội,...) lên án hành vi phạm tội, phân tích vụ việc, hành vi và quá trình điều tra họ tùy thuộc vào các giai đoạn TTHS tương ứng vì họ bị coi là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Do bị xã hội lên án, người được miễn TNHS coi như phải chịu sự tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và danh dự của mình và ở một chừng mực nhất định - đã bị hạ thấp, tổn hại danh dự của mình trước cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng dân cư.
Phương diện pháp lý, người được miễn TNHS không được (không có quyền được) bồi thường thiệt hại theo Điều 27, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
Phương diện thực tiễn, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (TTHS) ở nước ta thời gian qua cho thấy, dưới góc độ pháp lý, người được miễn TNHS vẫn có thể phải chịu các biện pháp cưỡng chế thuộc các ngành luật khác như: bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam...) theo quy định của pháp luật TTHS; xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hành chính; xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức, pháp luật lao động; buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hoặc tiêu hủy tang vật... Điều này được ghi nhận trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 về việc "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS" (năm 1985) của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC): "Khi đã miễn TNHS thì Tòa án không được quyết định bất kỳ loại hình phạt nào, nhưng vẫn có thể quyết định việc bồi thường cho người bị hại và giải quyết tang vật". Ngoài ra, Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC "Về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật" ghi nhận bổ sung: "Tùy trường hợp cụ thể, người được miễn TNHS có thể bị xử lý hành chính". Chúng tôi khảo sát 24 vụ án thực tế liên quan đến vấn đề cho kết quả:

Số vụ
Biện pháp cưỡng chế không phải hình sự
Cơ quan áp dụng
04
Xử lý hành chính
Viện kiểm sát
01
Xử lý hành chính
Tòa án
02
Buộc bồi thường thiệt hại
Tòa án
01
Tạm giữ tang vật
Tòa án
02
Không áp dụng biện pháp nào
Cơ quan Điều tra
11
Không áp dụng biện pháp nào
Viện kiểm sát
03
Không áp dụng biện pháp nào
Tòa án
Như vậy, đây là những biện pháp hỗ trợ nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như thể hiện sự lên án hành vi phạm tội của họ, dù họ không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự về hành vi của mình. Tuy nhiên, những biện pháp này lại chưa bao quát và không được ghi nhận trong BLHS, mà thực tiễn có cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng hoặc không áp dụng. Do đó, nhà làm luật cần ghi nhận thành một khoản trong điều luật của BLHS với nội dung: Trong trường hợp cần thiết và tùy từng giai đoạn tố tụng tương ứng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế về TTHS, xử lý hành chính hoặc kỷ luật, cũng như giải quyết vấn đề dân sự (nếu có) của người được miễn TNHS.
1.2. Trường hợp miễn TNHS do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 19 BLHS).Trường hợp này có ba vấn đề nên sửa đổi, bổ sung:
a) Hiện nay, các nhà làm luật mới chỉ quy định chính thức việc áp dụng miễn TNHS do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với một loại người đồng phạm là người thực hành mà không đề cập việc áp dụng với ba loại người đồng phạm còn lại (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức). Tuy nhiên, Mục I - Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/4/1989 của HĐTP TANDTC "Hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của BLHS" (năm 1985) có quy định. Chúng tôi cho rằng, vấn đề nên được các nhà làm luật ghi nhận chính thức trong BLHS. Theo Nghị quyết số 01/HĐTP (đã nêu), việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với ba người đồng phạm trên như sau: 
Đối với người xúi giục, người tổ chức phải thuyết phục, khuyên bảo để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để có biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Đối với người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm như: không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không dẫn đường cho kẻ thực hành... Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm. Mặc dù người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức được miễn trách nhiệm trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc đã làm không ngăn chặn được tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, họ có thể vẫn phải chịu TNHS; người này chỉ có thể được miễn TNHS, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm.
b) Cần thay cụm từ "việc phạm tội" bằng "tội phạm" trong tên gọi Điều 19 BLHS cho phù hợp với thực tiễn xét xử và bao quát hành vi của tất cả những người đồng phạm (như Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/4/1989 của HĐTP TANDTC, chứ không chỉ riêng bản thân một loại người đồng phạm là người thực hành...[1].
c) Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của HĐTP TANDTC "Hướng dẫn một số quy định của BLHS" (năm 1985) đã thừa nhận một điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải và chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, chứ không thể xảy ra ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hay giai đoạn tội phạm hoàn thành. Bởi lẽ, ở những trường hợp sau thì người phạm tội đã thực hiện được đầy đủ những dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội phạm và việc dừng lại không thực hiện tội phạm hoàn toàn không làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do người đó thực hiện. Tuy nhiên, về mặt lý luận luật hình sự cho thấy, ở đây rõ ràng việc dừng lại vì phạm tội chưa đạt là do điều kiện khách quan ngăn cản nên không thực hiện được tội phạm đến cùng, còn việc dừng lại do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội lại do ý thức chủ quan của bản thân người phạm tội quyết định[2]. Song, do phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành như lý luận luật hình sự đã phân chia ở một mức độ nhất định hoàn toàn có thể khắc phục và ngăn chặn được hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra nên thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm vẫn cho người phạm tội được hưởng chế định nhân đạo này (mặc dù giữa tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và phạm tội chưa đạt làhoàn toàn khác nhau). Chúng tôi cho rằng, các nhà làm luật cần ghi nhận một điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải và chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội đã phân tích để bảo đảm tính thống nhất giữa nhận thức lý luận và thực tiễn xét xử.
1.3. Miễn TNHS do sự chuyển biến của tình hình (khoản 1 Điều 25 BLHS). Đây là trường hợp miễn TNHS có tính chất bắt buộc đối với hai trường hợp khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử - do có sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, thực tiễn đòi hỏi cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn giải thích thế nào là "sự chuyển biến của tình hình"; "hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" và "người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" để áp dụng cho thống nhất, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội, cũng như bảo đảm các nguyên tắc phân hóa và nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam[3]. Riêng về "sự chuyển biến của tình hình" có thể cụ thể hóa hướng dẫn tại điểm 2 mục VIII - Miễn TNHS trong Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 05/01/1986 của HĐTP TANDTC "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS" (năm 1985), đó là " là "sự chuyển biến về chính trị, kinh tế, xã hội" nên tội phạm không còn nguy hiểm đáng kể cho xã hội,...[4].
1.4. Miễn TNHS do hành vi tích cực của người phạm tội (khoản 2 Điều 25 BLHS). Về trường hợp này, bên cạnh các điều kiện khác, theo chúng tôi, các nhà làm luật nên hạn chế phạm vi loại tội mà người phạm tội chưa bị phát giác ra tự thú, đó là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng để có sự phân hóa hơn nữa trong chính sách hình sự, cũng như có sự kết hợp để đánh giá cùng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Theo báo cáo khảo sát, hầu hết các địa phương chỉ áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, chưa có đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng...[5]Hơn nữa, nếu không quy định hạn chế phạm vi loại tội sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng áp dụng đối với cả những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thực tiễn xét xử, hoặc thậm chí gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận nhân dân.
1.5. Miễn TNHS đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội (khoản 2 Điều 69 BLHS). Nội dung của điều luật nên sửa thành "NCTN phạm tội được miễn TNHS, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây thiệt hại (hậu quả) không lớn..." để tránh hiểu lầm là mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS, vì đã là tội phạm trong mọi trường hợp đều chứa đựng tính nguy hiểm cho xã hội và đều gây nguy hại cho xã hội, do đó, chỉ có thể là tội phạm nghiêm trọng nhưng gây thiệt hại ít nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại không lớn (điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS về tình tiết giảm nhẹ TNHS cũng ghi: "Phạm tội nhưng chưa gây thiệthại hoặc gây thiệt hại không lớn"). Ngoài ra, theo chúng tôi, cần chuyển từ trường hợp có thểthành trường hợp được miễn TNHS để tăng cường các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội nhằm thực hiện đúng các nguyên tắc xử lý đối với đối tượng này (hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành đối với riêng trường hợp miễn TNHS đối với NCTN phạm tội)...[6]. Như vậy, cùng với những quy định giảm nhẹ khác, "các chế tài khi áp dụng đối với NCTN phải phản ánh chính sách nhân đạo, bảo đảm sự đồng thuận giữa các lợi ích khác nhau, có sự tham gia của cộng đồng xã hội trong việc giám sát, xử lý... Điều này không chỉ bao hàm các tiền đề pháp lý mang tính tiên quyết nhằm thực thi các nguyên tắc của TNHS, mà còn hàm chứa các nguyên tắc pháp chế, nhân đạo, công bằng, bình đẳng, phân hóa TNHS, mà còn lấy nhiệm vụ giáo dục là hàng đầu... qua đó tiết kiệm và hạn chế áp dụng các chế tài tư pháp nghiêm khắc, cũng như khi đã áp dụng xong còn giúp cho NCTN trở lại cộng đồng thành người có ích lợi cho xã hội..."[7]. Do đó, các nhà làm luật nên quy định tùy từng trường hợp mà có thể là gia đình giáo dục hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng chịu trách nhiệm giám sát và giáo dục NCTN phạm tội được miễn TNHS. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định này với Điều 12 BLHS về "Tuổi chịu TNHS", cần ghi nhận rõ NCTN phạm tội được miễn TNHS ở đây là người "từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi". Vì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 BLHS).
1.6. Giao người được miễn TNHS cho cơ quan, tổ chức và gia đình giám sát, giáo dục.Nếu như "đầu vào" của hoạt động TTHS nói riêng, của hệ thống tư pháp hình sự nói chung là việc phát hiện, xử lý và thi hành án, giáo dục, cải tạo đối với người phạm tội, thì "đầu ra" của hoạt động, hệ thống này chính là việc đưa người đó trở lại môi trường sống lành mạnh, cũng như giúp họ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Trong BLHS, các nhà làm luật mới chỉ quy định riêng trường hợp miễn TNHS đối với NCTN phạm tội, mà chưa quy định đối với các trường hợp khác. Chúng tôi cho rằng, đây là một chế định phản ánh chính sách phân hóa và thể hiện nguyên tắc nhân đạo, một biện pháp pháp lý cần sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, của các cơ quan, tổ chức và nhất là gia đình người được miễn TNHS, các nhà làm luật nên quy định bổ sung thêm việc giám sát, giáo dục này là tùy nghi (lựa chọn) đối với các trường hợp còn lại khác.
1.7. Phần chung BLHS nêu năm trường hợp miễn TNHS với ba trường hợp có tính chất bắt buộc (Điều 19, các khoản 1 và 3 Điều 25) và hai trường hợp có tính chất lựa chọn (khoản 2 Điều 25 và khoản 2 Điều 69). Đến Phần các tội phạm, có một trường hợp miễn TNHS có tính chất bắt buộc (khoản 3 Điều 80) và ba trường hợp có tính chất lựa chọn (khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314). Tuy nhiên, đối với các trường hợp có tính chất lựa chọn, khoản 2 Điều 25 ghi nhận nhiều tình tiết để một người “có thể” được miễn TNHS hơn so với các trường hợp còn lại (chủ yếu là ba trường hợp trong Phần các tội phạm BLHS). Do đó, sẽ có trường hợp một người thỏa mãn các tình tiết trong các trường hợp thuộc Phần các tội phạm và thỏa mãn cả khoản 2 Điều 25 Phần chung BLHS, nhưng họ chỉ vẫn có thể được miễn TNHS...[8]. Điều này chưa khuyến khích, động viên những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ, không tố giác tội phạm ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm. Rõ ràng, vấn đề nên được điều chỉnh cụ thể hơn, bảo đảm quyền lợi của người phạm tội trong từng trường hợp tương ứng.
1.8. Để phù hợp với thực tiễn xét xử và pháp luật hình sự các nước, cần bổ sung hai trường hợp miễn TNHS (do hết thời hiệu truy cứu TNHS và do sự thỏa thuận giữa người phạm tội và người bị hại) vào BLHS nhằm góp phần nhân đạo hóa hơn nữa trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Ngoài ra, gộp tất cả các trường hợp trong thực tiễn xét xử vào Điều 25 về miễn TNHS; bổ sung thẩm quyền đại xá của Quốc hội đối với người phạm tội được miễn TNHS; v.v..
1.9. Việc nêu các căn cứ miễn TNHS để tiến hành đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án còn chưa thống nhất trong các quy định của Bộ luật TTHS, cụ thể: Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a) Có một trong những căn cứ quy định... tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của BLHS (khoản 2 Điều 164). Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định... tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 củaBLHS (khoản 1 Điều 169). Hoặc nếu xét thấy có một trong những căn cứ... để miễn TNHS cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của BLHS, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án (Điều 181)Trong những trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:... 2. Bị cáo được miễn TNHShoặc miễn hình phạt (Điều 227); hoặc Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau: a) Miễn TNHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo... (Điều 249).
Những thống kê trên (chữ in nghiêng, đậm) cho thấy Bộ luật TTHS quy định vấn đề còn chưa thống nhất. Nếu bị can được miễn TNHS ở giai đoạn điều tra, truy tố mà không thuộc các trường hợp theo Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 BLHS thì Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát có được ra quyết định đình chỉ điều tra hay đình chỉ vụ án để áp dụng miễn TNHS hay không?. Vấn đề nên hoàn thiện theo hướng: "khi thuộc một trong các trường hợp miễn TNHS do BLHS quy định" để bảo đảm tính thống nhất và bao quát tất cả chín trường hợp miễn TNHS trong BLHS.
Như vậy, các quy định của BLHS về miễn TNHS nên sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 19. Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm
1. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp một người[9] tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
2. Người thực hành (đồng thực hành) tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm;...
3. Người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức trong đồng phạm được miễn TNHS nếu họ từ bỏ ý định phạm tội, đồng thời tiến hành thực hiện các biện pháp ngăn chặn cần thiết việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành nên hậu quả đã không xảy ra...
Điều 25. Miễn TNHS
1. Người phạm tội được miễn TNHS khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do sự chuyển biến của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, trong trường hợp..., thì cũng có thể được miễn TNHS.
3. Người phạm tội được miễn TNHS trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử khi có quyết định đại xá của Quốc hội.
4. Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, nếu được cơ quan hoặc người có thẩm quyền chấp nhận và người bị hại đồng ý thỏa thuận, thì người phạm tội được miễn TNHS và phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.
5. Người phạm tội được miễn TNHS nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua một thời hạn nhất định tương ứng với từng loại tội phạm quy định tại Điều 23 Bộ luật này và đáp ứng những điều kiện khác do luật định.
6. Trong trường hợp cần thiết và tùy từng giai đoạn tố tụng tương ứng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế về TTHS, xử lý hành chính hoặc kỷ luật, giải quyết vấn đề dân sự (nếu có) của người được miễn TNHS, cũng như giao họ cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng giám sát, giáo dục khi thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 đến khoản 5 Điều luật này...
Điều 69. Nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội (sửa nội dung khoản 2 cho chính xác hoặc tách ra thành một trường hợp độc lập)
2. NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức tương ứng nhận quản lý, giám sát giáo dục, thì được miễn TNHS...
Và Bộ luật TTHS, các điều 164, 169181, 227 và 249 nên sửa đổi, bổ sung:
Điều 164. Đình chỉ điều tra
..,2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 Bộ luật này hoặc thuộc một trong các trường hợp miễn TNHS của BLHS...
Điều 169. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc thuộc một trong các trường hợp miễn TNHS của BLHS...
Điều 181. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố
Nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này hoặc có căn cứ để miễn TNHS cho bị can, bị cáo theo quy định của BLHS, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án...



[1]Xem: GS. TSKH. Lê Cảm, Chế định miễn TNHS trong luật hình sự Việt Nam, trong sách: Nhà nước và pháp luật Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI, Nxb. Công an nhân dân, H., 2002, tr. 224.
[2] Xem: TS. Phạm Mạnh Hùng, Một số ý kiến về miễn TNHS, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 2/1993, tr. 15.
[3] Xem cụ thể hơn: TS. Trịnh Tiến Việt, Chế định miễn TNHS theo luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 130-140.
[4] Xem: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo rút kinh nghiệm việc đình chỉ điều tra do miễn TNHS theo quy định của Điều 25 BLHS, 2010, tr. 14-15.
[5] Xem: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo rút kinh nghiệm việc đình chỉ điều tra do miễn TNHS theo quy định của Điều 25 BLHS, Hà Nội, 2010, tr. 21.
[6] Xem: Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), Báo cáo đánh giá các quy định của BLHS liên quan đến NCTN và thực tiễn thi hành, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012, tr. 57.
[7] Xem: Agne Barans Kaite, Jonas Prapiestis, Exemption from criminal liabiility in the cotext of the Constitution and Constitutional Jurisprudence, Jurisprudence, 2006, 7(85), p.23, 30.
[8] Xem: Lê Văn Toán, Hoàn thiện các quy định về miễn TNHS,  http://hvcsnd.edu.vn.
[9] Chữ in nghiêng, đậm là ý kiến sửa đổi, bổ sung của tác giả (BBT).

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét