Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành trên thực tế


Bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành trên thực tế
Thực tiễn công tác thi hành án (THA) dân sự cho thấy, chỉ khi nào bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, thì mới được mọi người tôn trọng; tội phạm bị trừng phạt, người bị hại được khắc phục một phần thiệt hại; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Toà án được tuyên rõ ràng, chính xác, công bằng, nhưng không được thi hành hoặc thi hành không có hiệu quả, thì bản án, quyết định đó chỉ có ý nghĩa trên giấy, thậm chí còn phản tác dụng, làm cho người phải chấp hành án coi thường pháp luật. Vì vậy, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế phải là mục đích tối thượng của việc hoàn thiện pháp luật về THA dân sự.
1. Một số bật cấp về trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự
1.1Điều 31 Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS) quy định đơn yêu cầu THA phải có nội dung chính là: “…thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA”. Tại khoản 1 Điều 44 quy định: “… trường hợp THA theo đơn yêu cầu, nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh…”. Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS quy định: “người được THA khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện THA phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được THA hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng”.
Từ các quy định này cho thấy, thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA là một nội dung chính trong đơn yêu cầu THA. Nếu đơn yêu cầu không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA mà Cơ quan THADS vẫn thụ lý là không chấp hành đúng quy định trên đây. Tuy nhiên, họ vẫn phải nhận đơn yêu cầu mà không được từ chối, vì những trường hợp được từ chối nhận đơn yêu cầu tại Điều 34 Luật THADS không có trường hợp trong đơn yêu cầu không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA.
Trong thực tế, không ít người nộp đơn yêu cầu THA không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA; nhất là những người được thi hành trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không cư trú cùng nơi với người phải THA. Không ít người không biết quyền và nghĩa vụ xác minh điều kiện THA; đến khi Cơ quan THADS có thông báo bổ sung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành hoặc hướng dẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ xác minh điều kiện THA, thì người được THA mới tiến hành xác minh hoặc có đơn yêu cầu xác minh điều kiện THA.
1.2Theo quy định tại Điều 36 Luật THADS thì Thủ trưởng Cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định THA. Thời hạn ra quyết định THA theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu THA.
Thực tiễn thụ lý việc THA theo đơn yêu cầu cho thấy, rất ít người có quyền yêu cầu THA mà không có đơn yêu cầu THA, cá biệt chỉ có ở các trường hợp giá trị thi hành không lớn, hoặc chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần… Phần lớn đơn yêu cầu THA không nộp cùng thời điểm Toà án chuyển giao bản án, nên việc tổ chức THA đối với một người vừa có khoản phải THA chủ động vừa có khoản phải THA theo đơn yêu cầu, Thủ trưởng Cơ quan THA phải ra hai quyết định THA không trùng thời điểm; vì thế Chấp hành viên phải tổ chức thi hành hai lần đối với một người phải THA trong cùng một bản án, quyết định, vừa mất thời gian vừa tốn công sức.
1.3. Điều 39 Luật THADS quy định: “Quyết định về THA… phải thông báo cho đương sự… Thông báo phải thực hiện trong 03 ngày làm việc kể từ ngày ra văn bản…”. Tại Điều 45, 46 quy định: “thời hạn tự nguyện THA là 15 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA”. Hết thời hạn này “người phải THA có điều kiện thi hành mà không tự nguyện THA thì bị cưỡng chế”.
Từ các quy định này cho thấy, trong thời hạn không quá 18 ngày kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan THA ra quyết định THA, nếu người phải THA có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế. Tuy nhiên, tại Điều 4, 5 Thông tư 03/2012/TTLT- BTP- BCA của Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS, thời gian phối hợp xây dựng kế hoạch cưỡng chế và phương án bảo vệ cưỡng chế mất khoảng 20 ngày. Ngoài ra, còn có thời gian bị kéo dài trong “Trường hợp… có ý kiến khác nhau… Thủ trưởng Cơ quan THADS tổ chức cuộc họp với đại diện Cơ quan công an cùng cấp…”.
1.4. Khoản 1 Điều 28 Luật THADS quy định: “Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho Cơ quan THADS có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”. Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị phải mất 30 ngày kể từ ngày tuyên án mới có hiệu lực; cộng với thời gian để người được THA không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA, không tự mình xác minh được, thực hiện được quyền yêu cầu xác minh điều kiện THA để bổ sung thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA vào đơn yêu cầu THA ít nhất là mất 01 tháng. Như vậy, kể từ khi Toà tuyên án cho đến khi Thủ trưởng Cơ quan THA ra được quyết định THA theo đơn yêu cầu trong trường hợp này cũng phải mất thời gian khoảng 03 tháng.
2. Một số kiến nghị bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực được chấp hành trên thực tế
Một là, việc xác minh điều kiện THADS phải được tiến hành và được áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành trước khi xét xử; nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, trốn trách việc THA; khắc phục một phần tình trạng bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật chỉ có ý nghĩa trên giấy, không được chấp hành trên thực tế.
Hai là, bản án, quyết định của Toà án được thi hành theo thủ tục THADS cần bổ sung phần chỉ dẫn cho người được THADS. Khắc phục tình trạng người được THA không biết cơ quan THADS nào có thẩm quyền tổ chức thi hành; không biết làm đơn yêu cầu THA và nội dung chính của đơn yêu cầu THADS gồm những phần gì; không biết quyền và nghĩa vụ xác minh điều kiện THA. Vì vậy bản án, quyết định của Toà án được thi hành theo thủ tục THADS cần bổ sung phần chỉ dẫn cho người được THADS: Theo bản án, quyết định… người được THA có quyền thoả thuận về THA… có quyền yêu cầu cơ quan THADS… tổ chức thi hành. Đơn yêu cầu THADS phải có các nội dung chính là: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan THADS nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được THA, người phải THA; nội dung yêu cầu THA; thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA. Trường hợp người được THAkhông có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA để ghi vào đơn yêu cầu THA; thì có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA. Nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh và phải chịu các chi phí xác minh theo quy định tại Điều 73 Luật THADS.
Ba là, biện pháp khuyến khích người phải THADS tự nguyện thi hành phải được tiến hành khi Toà tuyên án và được ghi trong án văn. Thực tiễn công tác THADS cho thấy, nếu đương sự tự nguyện thi hành, không phải tổ chức cưỡng chế thi hành sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của, công sức của Chấp hành viên, Cơ quan THADS và các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn trong THADS; thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết giữa các đương sự và nêu cao được ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Điều 9 Luật THADS quy định: “Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện THA”Cụm từ “Nhà nước” ở đây trước hết phải là cơ quan ban hành bản án, quyết định. Cho nên, không chờ đến khi bản án, quyết định có hiệu lực và có quyết định THADS thì Nhà nước mới khuyến khích tự nguyện thi hành, mà biện pháp khuyến khích này nên được tiến hành khi Toà tuyên án và được ghi trong án văn “Nếu người phải THADS tự nguyện thi hành sớm thì không phải chịu lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tương ứng số tiền và thời gian chậm THA; không bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và phải chịu chi phí cưỡng chế THA theo quy định tại Điều 66, 71, 73 Luật THADS…”. Đối với người phải THADS đồng thời là người phải chấp hành hình phạt tù, có thể thêm nội dung: “Nếu người phải THA tự nguyện THA thì đó là một tiêu chí để được xét miễn giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù…”.
Bốn là, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức nơi người phải THA cư trú, công tác, có trụ sở hoặc có tài sản trong THADS. Luật THADS năm 2008 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã (Điều 175); nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành hình phạt tù (Điều 180) đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, giảm được nhiều việc THA tồn đọng, so với thời kỳ áp dụng Pháp lệnh THADS năm 2004. Trong thực tiễn đã có nhiều cơ quan, tổ chức nơi có người phải THA cư trú, công tác, mặc dù không có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong THA dân sự, nhưng các cơ quan, tổ chức này đã tôn trọng bản án, quyết định của Toà án, tích cực tác động, giáo dục, thuyết phục người phải THA tự nguyện thi hành. Ngược lại, cũng có một số cơ quan, tổ chức nơi có người phải THA không quan tâm hoặc tác động ngược, giúp người phải THA trốn tránh việc THA, làm cho việc THA thêm phức tạp, khó thi hành.  
     Vì vậy, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức nơi có người phải THA cư trú, công tác cùng phối hợp thực hiện các biện pháp THADS là cần thiết. Ngay sau khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành do Toà án chuyển đến, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải THA cư trú, công tác, có trụ sở hoặc có tài sản, có trách nhiệm phối hợp với Chấp hành viên và Cơ quan THADS trong các việc: thông báo về THA, khuyến khích tự nguyện thi hành, xác minh điều kiện THA và áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THADS. Nếu người phải THA chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự theo án đã tuyên mà có đăng ký biến động nơi cư trú, công tác hoặc chuyển nhượng, chứng thực chuyển dịch tài sản… thì thông báo ngay cho cơ quan THADS biết để kịp thời áp dụng biện pháp bảo đảm THA.
Điều 136 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Vì vậy, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế phải là mục đích tối thượng của việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng và THA./.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét