Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Thoả ước lao động tập thể: Cần hài hòa lợi ích 2 bên

“Thỏa ước lao động ngành sẽ là cơ sở giải quyết mọi vấn đề quan hệ lao động thông qua đàm phán, thương lượng chứ không để tích tụ lâu ngày không bàn bạc, dẫn đến xung đột”- Đây là ý kiến chung của các đại biểu tại cuộc hội thảo góp ý về dự thảo Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may vừa được VCCI phối hợp Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được đưa ra.
Nhiều DN mong muốn dự thảo Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may cần phải tập trung vào những điểm cốt lõi. Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may phải xuất phát từ lý do chính gây ra đình công trong DN, phải là những điều khoản để có thể đưa ra thương lượng và đàm phán.
Không nên quá chi tiết
Ông Asbjorn Rosseh, đại diện Liên đoàn giới chủ Na Uy cho rằng, thoả thuận càng chi tiết thì càng khó điều chỉnh. Na Uy đã có kinh nghiệm 100 năm, từng có thoả thuận nội dung phong phú và rất chi tiết, và chúng tôi đã nhận ra rằng nên có thêm các "phần mềm" để DN có thể tự điều chỉnh. Với Việt Nam, vấn đề lương, phụ cấp không nên đưa vào thoả thuận chung vì trong bộ Luật Lao động đã đề cập vấn đề này rồi. Thay vào đó, nên nói rằng nếu muốn thay đổi thì hai bên có thể thoả thuận, tuy nhiên mức độ phải cao hơn luật.
Bên cạnh đó, về vấn đề đình công, Thoả ước lao động cũng cần được đề cập đến việc trong thời hạn thoả thuận có hiệu lực. Phải quy định rõ nếu xảy ra đình công bất hợp pháp, hoặc người chủ có hành động bất hợp pháp thì sẽ xử lý bên vi phạm như thế nào? Ở Na Uy thường thì nếu bên nào vi phạm sẽ phải bị phạt tiền, ví dụ đóng góp tiền vào quỹ phúc lợi, đào tạo lao động...Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần may Hưng Yên cho rằng: Việc quy định giờ làm trong thoả thuận DN rất khó thực hiện bởi thời gian làm việc đã được Luật Lao động quy định, còn cụ thể để DN tự thoả thuận với người lao động cho linh hoạt, không nên quy định quá chi tiết.
Để thỏa ước đi vào cuộc sống
Ông Lê Tiến Trường - Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng bản thoả thuận đang quá nghiêng về phía lợi ích của người lao động mà chưa đề cập gì tới lợi ích của người sử dụng lao động, chưa quy định người lao động không được bỏ việc ngang, không được đình công ngang...Ông Trường cũng chỉ rõ: Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may Việt Nam chưa có khái niệm vùng, các chi tiết còn mang tính cào bằng. Ví dụ với mức ăn ca 10.000 đồng/ngày với các DN lớn có thương hiệu thì không vấn đề gì, nhưng với những DN nhỏ làm mặt hàng lợi nhuận thấp thì rất khó.
Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là liệu thoả uớc có làm hạn chế các cuộc đình công của người lao động hay không. Theo ông Nguyễn Tùng Vân - Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may cho rằng, bản thoả ước này chỉ là công cụ, phương tiện góp phần vào việc hài hoà mối quan hệ lao động, để từng bước hạn chế tranh chấp lao động mà đỉnh cao là đình công. Theo ông, còn nhiều vấn đề mà hai bên còn phải thoả thuận với nhau. Ví dụ về lương tối thiếu rất phức tạp, lương tối thiểu không thể có khung chung mà còn phụ thuộc vào vùng miền, khu vực DN... không thể có sàn chung.
Nhiều DN cho biết, để thoả ước này đi vào cuộc sống cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các DN và người lao động, phải xây dựng được mẫu cơ sở và thí điểm ở cơ sở rồi mới áp dụng, còn nếu muốn áp dụng ngay vào ngành thì chỉ nên xây dựng ở dạng khung để các thoả ước bên dưới DN bắt buộc phải đi theo đúng hạng mục đề ra nhưng DN được quyền nắn chỉnh cho phù hợp.
Thoả uớc lao động tập thế được áp dụng với người sử dụng lao động (SDLD) và tập thể người lao động trực thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các tổ chức công đoàn thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam và người sử dụng lao động của DN đồng ý uỷ quyền cho Hiệp hội dệt may và công đoàn dệt may ký kết thoả ước.
Nội dung chủ yếu của thoả ước này chủ yếu xoay quanh các vấn đề về việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương phụ cấp, định mức lao động…
- Lao động làm nghề không làm quá 8 tiếng/ngày và 48 tiếng/tuần. Sau 3 tháng, kể từ ngày ký thoả ước, các DN phải cho người lao động nghỉ cứ 1 tháng làm liên tục được nghỉ thêm ½ ngày và tính vào thời gian làm việc.
- Việc làm thêm không quá 200-300 giờ/năm, trong ca làm việc liên tục 8 giờ được nghỉ 30 phút ban ngày, làm ban đêm nghỉ 45 phút. Nếu người lao động không có nhu cầu nghỉ mà tự nguyện làm việc thì ngoài hưởng lương theo ngày làm việc còn được thêm 100% tiền lương cho thời gian thực tế làm việc trong thời gian được nghỉ… Vào tháng 1 hàng năm, người lao động phải có trách nhiệm lập kế hoạch nghỉ trong năm để người SDLD lập kế hoạch.
- Về mức lương, thưởng, thoả ước nêu rõ: để góp phần ổn định đời sống người lao động, sau 3 tháng kể từ ngày ký thoả ước này, các DN thống nhất mức lương tối thiểu cao hơn ít nhất 5% so với mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Riêng nhóm lao động độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7%, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề trong mỗi nhóm lương ít nhất 10%...
Chế độ ăn ca, áp dụng mức ít nhất 10.000 đồng/người/ngày, hàng năm DN phải thưởng cho người lao động sau một năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương, vào dịp lễ 2/9, 30/4,1/5…thưởng ít nhất 150.000 đồng/người.
Khi phát sinh tranh chấp lao động, các bên phải bảo đảm thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định của Chính phủ.
(Trích một số nội dung cơ bản của Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt mayViệt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét